Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chơi vơi lao động phi chính thức

Kim Vũ| 13/05/2010 05:50

(HNM) - Mới đây, sau nhiều nghiên cứu, các cơ quan liên quan mới khẳng định được khu vực kinh tế phi chính thức (KVKTPCT) là nơi cung cấp khoảng 1/3 tổng số việc làm cho người lao động, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa được công nhận

Một điều tra của Viện Khoa học thống kê phối hợp với tổ chức IRD/DIAL Pháp về cuộc sống của người lao động (NLĐ) tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tuổi bình quân của NLĐ phi chính thức khoảng 39-40 tuổi và phần đông có trình độ học vấn thấp. Có tới 37-40% số hộ thuộc KVKTPCT không có địa điểm kinh doanh cố định, vì vậy họ ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ công cơ bản như điện, nước, điện thoại. Thu nhập của khu vực này chỉ bằng 2/3 so với các khu vực hộ sản xuất, kinh doanh chính thức. Kết quả điều tra còn cho thấy, KVKTPCT đóng góp khoảng 12% giá trị tăng thêm của 2 thành phố. Tuy nhiên, khu vực này chỉ được coi là hoạt động bên lề của nền kinh tế vì có rất ít mối quan hệ với các khu vực kinh tế khác: trên 75% số sản phẩm của nó tạo ra phục vụ cho các hộ gia đình. TP Hà Nội hiện có 132.300 người và TP Hồ Chí Minh có 343.700 người đang làm việc trong KVKTPCT, chưa tính tới những người chủ đơn vị, người tự kinh doanh. Trong đó có trên 60% không có hợp đồng với giới chủ, khoảng 37% có thỏa thuận miệng giữa đôi bên và chỉ có khoảng 0,5% có hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc dài hạn. Số lao động này không được hưởng bất kỳ khoản phúc lợi nào từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nơi mình làm việc. Chỉ có 0,6% số lao động được chia lợi nhuận, 0,8% được trả lương cho những ngày lễ, tết.

Ngày càng nhiều lao động tự do tìm kiếm việc làm tại các TP. Ảnh: Thái Hiền

Phần lớn NLĐ hoạt động gần như đơn độc, mối liên kết gần nhất, bền chặt nhất chính là giữa những người đồng cảnh ngộ "phi chính thức" với nhau. Vì vậy, việc đóng BHXH, BHYT đối với họ vẫn là xa vời. Bằng chứng là mặc dù Việt Nam đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân nhưng đa số đều không sẵn sàng tham gia. Với họ, BHYT không giúp giảm đi nhiều gánh nặng từ chi phí về y tế. Bên cạnh đó, đối tượng này vẫn chưa được xã hội công nhận đúng mức cả về mặt pháp lý lẫn tâm lý. Khó có thể tìm thấy một "công đoàn" hoặc một tổ chức nghề nghiệp để bảo trợ, hỗ trợ về pháp lý hay kinh tế cho những người bán hàng rong, trẻ em bán vé số, đánh giày, giúp việc, xe ôm...

Cần hoạch định trong chính sách công

Hiện nay, KVKTPCT chiếm 11 triệu việc làm trong tổng số việc làm toàn quốc. Tỷ lệ này chiếm gần 1/3 tổng việc làm chính và gần 1/2 số việc làm phi nông nghiệp thuộc KVKTPCT. Cả nước có 8,4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh phi chính thức, trong đó 7,4 triệu chủ hộ xem hoạt động KVKTPCT của mình là việc làm chính và 1 triệu hộ xem đó là việc làm thứ hai.

Có thể nói đây là khu vực kinh tế "bung ra" sớm nhất, mạnh nhất và với tốc độ nhanh nhất khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới. Khu vực này thu hút nhiều lao động dôi dư, lấp được khoảng trống thiếu hụt về việc làm và thu nhập đối với một bộ phận lớn lao động khi nền kinh tế chuyển đổi đã đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại cộng đồng. Khi Việt Nam chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì KVKTPCT đã thu hút hàng vạn lao động bị mất việc làm từ khu vực chính thức. Nhờ đó đã không tạo nên cú sốc về việc làm và thu nhập đối với xã hội.

Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, Viện đang soạn thảo trình Chính phủ Chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 có quan tâm đến quyền lợi của đối tượng lao động KVKTPCT. Cụ thể là sẽ có các giải pháp hỗ trợ việc làm tạm thời, tăng cường ưu đãi đào tạo nghề cho nông dân, mở rộng tín dụng ưu đãi cho lao động nghèo, thí điểm hỗ trợ một phần phí tham gia BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chơi vơi lao động phi chính thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.