(HNMO) - Được chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội, nhiều trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng từng bước khôn lớn, trưởng thành. Tình yêu thương, sự quan tâm từ những người bố, người mẹ thứ hai, những người đồng cảnh, các cơ quan chức năng và cộng đồng trở thành điểm tựa, niềm tin cho ước mơ của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bay xa.
Nỗ lực để hòa nhập cộng đồng
Trong căn nhà nhỏ tại tổ dân phố 5, phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm), những ngày này luôn ăm ắp nụ cười hạnh phúc của các thành viên sinh sống ở đó, gồm người mẹ là Trần Thị Hoa và hai con gái.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, chị Hoa cho hay, người con gái thứ hai của chị là Nguyễn Thị Phương A (sinh năm 2002) không may bị câm điếc bẩm sinh, bố cháu đã mất từ khi các cháu còn nhỏ, nên cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn.
May mắn đến khi Phương A được Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) tiếp nhận vào nuôi dưỡng từ năm giữa 2011 đến đầu tháng 8-2020. Sau 9 năm sống tại ngôi nhà chung dành cho trẻ khuyết tật, từ một đứa trẻ sống khép kín, tự ti, Phương A dần khôn lớn, trưởng thành, có kỹ năng hòa nhập xã hội. Hiện nay, Phương A. đã hoàn thành chương trình tiểu học, biết làm các phép tính cơ bản, viết thành thạo, chuẩn bị đi học nghề may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa.
Cùng bị câm điếc bẩm sinh, cùng lớn lên và hoàn thành chương trình tiểu học tại Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ khuyết tật Hà Nội vào tháng 8-2020, cháu Đinh Thị Phương A (sinh năm 2004), thôn An Cảnh, xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) lựa chọn học tiếp trung học cơ sở tại Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương.
“Cháu sẽ tiếp tục việc học để có đủ kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ những người đồng cảnh”, Đinh Thị Phương A bày tỏ qua ngôn ngữ ký hiệu.
Chăm sóc tốt, hướng tới hòa nhập cộng đồng cũng là điều mà các đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác trên địa bàn thành phố, như Làng trẻ em Birla, Làng trẻ em SOS Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội I, II, III và IV, Trung tâm phục hồi chức năng Việt - Hàn… cố gắng không ngừng. Trong năm học 2019-2020, gần 70% cháu trong độ tuổi đến trường sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội đạt kết quả học tập loại khá, giỏi.
Chắp cánh ước mơ cho trẻ đặc biệt
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội, bà Đỗ Thị Hằng, cán bộ Phòng quản lý, giáo dục và nuôi dưỡng cho hay: “Giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sống vui vẻ, lạc quan nhìn về tương lai, chúng tôi cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa là người quản lý, vừa là bố, mẹ, người thân, vừa là thầy, cô giáo chỉ bảo, dạy dỗ cho các con những điều hay, lẽ phải. Với các con có khả năng đặc biệt, chúng tôi luôn có định hướng riêng, tạo điều kiện cho các con phát huy tối đa năng lực, sở trường. Nhờ đó, nhiều người con của Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội đã khôn lớn, trưởng thành”.
Mỗi khi nhớ lại những năm tháng sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội, em Nguyễn Thị Thanh H (sinh năm 1994), đã tốt nghiệp Đại học Hà Nội, đang đi làm phiên dịch, chia sẻ: “Nơi ấy là gia đình thứ hai của em. Hằng tháng, em dành một phần tiền lương để giúp đỡ các em nhỏ, thỉnh thoảng em cũng về nhà dạy các em học bài”.
Ấn tượng hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1984), lớn lên tại Làng trẻ em Birla, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để có thể giúp đỡ cho những người đồng cảnh. Hiện nay, với vai trò là giám đốc một tổ chức từ thiện, chị Hạnh đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội.
Những dẫn chứng như trên không phải là hiếm, bởi theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội: “Thành phố luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, ưu tiên các nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.