Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Chợ online'' có an toàn?

Minh Châu| 26/09/2021 05:01

(HNMCT) - Mua hàng online qua các nền tảng mạng xã hội là câu chuyện đã được đề cập, nhưng đến nay vẫn là vấn đề đáng nói trong thời điểm dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Thực tế, đi kèm với tiện ích, “chợ online” ẩn chứa không ít rủi ro bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhìn từ nhiều góc độ.

Bên cạnh sự tiện lợi, “chợ online” ẩn chứa không ít rủi ro bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhìn từ nhiều góc độ.

"Tiện" nhưng chưa chắc đã "lợi"

Việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Ở các khu dân cư, “chợ online” nở rộ qua mạng xã hội với sản phẩm đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn, từ các món ăn thường ngày đến đặc sản ở mọi miền đất nước, giá cả từ bình dân đến cao cấp, được chào bán hết sức sôi động.

Tiện ích là vậy song không ít người dùng "dở khóc, dở cười" khi mua hàng trên chợ online. Chị Nguyễn Bích Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhân dịp Trung thu nên chị đặt mua bánh nướng, bánh dẻo trên nhóm Chợ Quê, nhưng khi đang vui vẻ ăn bánh thì chị phát hiện “vật thể lạ” là miếng nhựa nhỏ lẫn trong bánh. Đã có không ít người như chị Thu, mua phải hàng chất lượng không ưng ý, phản hồi với người bán thì may lắm nhận được câu xin lỗi, “hòa cả làng”.

Trên các “chợ online”, nhiều sản phẩm được bán trong tình trạng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc và không có hạn sử dụng). Nhiều người dùng dễ dãi, tin tưởng “hàng xóm” và sự tiện lợi của việc giao hàng tận nhà mà bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm. Đại đa số các “shop” bán hàng online có quy mô nhỏ, không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đại diện của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các hộ kinh doanh thực phẩm online hay bất kỳ hình thức nào khác đều phải chấp hành quy định về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm và nội dung quảng cáo phải được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Song, hiện nay, các cơ quan chức năng hầu như chưa quản lý được những cơ sở quảng cáo bán hàng qua Zalo, Facebook... Nhiều tài khoản rao bán thực phẩm nhưng chỉ là trung gian, không có sẵn sản phẩm mà chờ có đơn đặt hàng mới nhập về, không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng nhiều lần nhấn mạnh: “Nếu sản phẩm quá hạn dùng mà người kinh doanh vẫn cố bán cho người tiêu dùng để thu lợi, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.

Bỏ thói quen mua hàng dễ dãi

Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh online đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho cả người bán và người mua. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro khi nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố. Thêm vào đó là nỗi lo sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng, biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.

Trước thực trạng “chợ online” nở rộ, chất lượng nông sản, thực phẩm không bảo đảm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức cao nhất. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cùng với trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm, Thành phố sẽ tập trung giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về phía Cục An toàn thực phẩm, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho hay, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online. Khi mua hàng cần tìm hiểu thật kỹ, xem xét chủ tài khoản bán hàng đó có uy tín hay không. Thậm chí có thể đặt hàng ít một để kiểm tra chất lượng chứ không nên ngay lập tức đặt hàng với số lượng lớn.

Khi lựa chọn thực phẩm online, người tiêu dùng nên học cách chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm; nên chọn các sản phẩm được bày bán ở nơi có đủ điều kiện bảo quản như siêu thị, cửa hàng tiện ích; không nên mua vội vàng trên các hội nhóm để rồi phải gánh hậu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Chợ online'' có an toàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.