(HNM) - Quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, nhưng làm thế nào để chợ nông thôn văn minh, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống dân sinh là câu hỏi cần phải có lời giải thích hợp.
Tự phát, thiếu quản lý
Theo Sở Công thương Hà Nội, khu vực nông thôn Hà Nội hiện có 308 chợ các loại, với tổng diện tích 1.246.668,2m2. Bình quân một chợ rộng 4.047,6m2, song phần lớn là chợ tạm, chợ tự phát, quy mô nhỏ, hạ tầng yếu kém. Tình trạng mất vệ sinh ở nhiều chợ quê, chợ tạm đang rất phổ biến. Diện tích đất chợ theo bình quân đầu người chỉ khoảng 0,25m2, bằng 50% so với chỉ tiêu này của cả nước. Trong đó số chợ kiên cố chỉ chiếm 16,3% với 67 chợ; 213 chợ bán kiên cố, chiếm 51,7%; 131 chợ lán tạm, chiếm 32%. Do là chợ tạm, hạ tầng yếu kém, chưa có bộ phận quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử như chợ Yên, chợ đầu mối nông sản lớn tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và các vùng lân cận, hoạt động sôi động cả ngày lẫn đêm nhưng rất lộn xộn. Chợ họp ngay cạnh ao làng, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ nên rất mất vệ sinh, nước bẩn, rác thải vương vãi lẫn với bùn, đã lâu không được dọn dẹp nên rất ô nhiễm. Không những lộn xộn, nhiều chợ còn là điểm "nóng" về ách tắc giao thông như chợ tạm ở thị trấn Kim Bài (Thanh Oai). Chợ được họp ở hai bên đường 21B, hàng hóa được bày bán ngay trên nền đường giao thông.
Hầu hết các chợ tạm, chợ nông thôn có quy mô nhỏ, hạ tầng yếu kém chưa phù hợp với phát triển xã hội. Ảnh: Thái Hiền |
Trong khi chợ tạm nhếch nhác, không ai kiểm soát thì những chợ lớn với thiết kế hoành tráng cũng hoạt động chưa hiệu quả, không ít chợ được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng không thu hút được người dân và các tiểu thương vào kinh doanh buôn bán, dẫn đến tình trạng "đắp chiếu", gây lãng phí lớn. Đơn cử như chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Xuân Đỉnh (Từ Liêm) khai trương vài năm nay vẫn luôn trong cảnh vắng lặng, các hộ kinh doanh chỉ trụ được ít ngày liền bỏ đi vì vắng khách. Các chợ đầu mối khác như Đền Lừ, Bắc Thăng Long, Sóc Sơn, chợ Minh Khai (Từ Liêm)... cũng tương tự. Tại huyện Ứng Hòa, chợ mới Vân Đình được xây dựng từ năm 2010 đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng được.
Hiện nay, nhiều huyện có tỷ lệ chợ có lều lán tạm chiếm khá cao như huyện Sóc Sơn (chiếm 70%), huyện Ba Vì (chiếm 65%), huyện Chương Mỹ (chiếm 71%)… Do thiếu thống nhất quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nên hiện tại chợ ở khu vực nông thôn phát triển tự phát, phân bố chưa hợp lý.
Xây dựng chợ mới hay cải tạo chợ cũ?
Để giải quyết tình trạng họp chợ, bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông tại khu vực Hòa Lạc thuộc xã Bình Yên và xã Thạch Hòa, UBND huyện Thạch Thất đã hỗ trợ kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng, xây dựng 100 gian hàng ở khu giãn dân Sông Lọc xã Bình Yên. Chủ tịch UBND xã Bình Yên Lê Văn Mão nhận định, đây chỉ là giải pháp tình thế trong việc dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm. Về lâu dài, để tiến tới văn minh thương mại cần đầu tư bài bản, bố trí không gian hợp lý.
Trong chương trình xây dựng NTM, các xã đang tiến hành khảo sát xây dựng chợ mới đã vấp phải nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Xuân Trường nhận định, tiêu chí xây dựng chợ của các xã trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, bởi cần nguồn kinh phí lớn và nhu cầu mỗi địa phương khác nhau. Chẳng hạn như xã Lưu Hoàng, người dân ở đây đi bán bánh mỳ ở khắp nơi, trong khi khu vực giáp ranh với xã đã có chợ Dầu khá lớn, hay như nằm bên xã Sơn Công đã có 2 chợ đang kinh doanh khá sầm uất… nên nếu có xây dựng chợ cũng sẽ vắng khách.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn nhiều huyện ngoại thành đã xuất hiện một số siêu thị, trung tâm thương mại đưa hàng về nông thôn khá hiệu quả như Lanchi Mart, Trung tâm Thương mại Hiền Lương. Hiện hệ thống Siêu thị Lanchi Mart đã có mặt ở ngoại thành Hà Nội như các huyện Ba Vì, Thường Tín, Đan Phượng, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây… với 53.000 mặt hàng. Theo Bí thư huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng, bên cạnh các chợ truyền thống, Siêu thị Lanchi Mart và các siêu thị khác đã góp phần làm thay đổi diện mạo thương mại nông thôn Ba Vì. Người dân được sử dụng những sản phẩm tốt, với phong cách phục vụ văn minh, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tại huyện Ứng Hòa, từ tháng 2-2012, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hòa Nam đã tiếp nhận quản lý và khai thác chợ mới Vân Đình. Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hòa Nam Nguyễn Khắc Họp cho biết, công ty đang tiến hành các bước sửa chữa, làm lại khoảng 400 quầy hàng để cho thuê, nhưng không biết khi xây song sẽ có bao nhiêu tiểu thương vào trung tâm, đây cũng là vấn đề còn rất khó khăn cho DN khi đầu tư vào đây. Đối với loại hình này, giá thuê gian hàng tại các chợ cần phải xây dựng hợp lý mới có thể thu hút được tiểu thương tham gia.
Để từng bước khắc phục những khó khăn trong xây dựng chợ nông thôn, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết, dự án "Quy hoạch phát triển thương mại TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" chú trọng phát triển các chợ đầu mối nông sản - thực phẩm quy mô lớn. Để chợ đầu mối trở nên quen thuộc, phải có sự quan tâm đến miễn thu phí cho các tiểu thương vào kinh doanh trong chợ trong thời gian đầu, vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, thông qua các hình thức hội chợ, triển lãm để thu hút nhiều nông, đặc sản của Hà Nội và các vùng miền vào chợ, từ đó thúc đẩy các giao dịch mua - bán trên quy mô lớn hơn, đồng thời tăng thêm sức hấp dẫn cho chợ... Ông Đồng cũng cho biết, chủ trương của TP sẽ hạn chế xây dựng chợ mới mà tập trung cải tạo các chợ truyền thống thành công trình đa năng, bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị gắn với chợ dân sinh hoặc nâng cấp chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.