Thuộc địa phận phường Phúc Xá, quận Ba Đình, với địa thế thuận tiện (giáp quận Hoàn Kiếm, Long Biên), lại nằm bên trục đường từ trung tâm đi các huyện ngoại thành Đông Anh, Sóc Sơn, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… hơn chục năm qua, chợ Long Biên trở thành chợ đầu mối hoa quả, nông sản, thực phẩm lớn nhất Hà Nội. Hiện nay, khu chợ này vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Chợ không giờ nghỉ
Long Biên là khu chợkhông có giờ nghỉ, hơn chục năm qua, hoạt động buôn bán ở đây diễn ra 24/24 giờ. Chợ hoạt động theo chu kỳ. Cứ buổi đêm, khi xe chở hàng về bến xe Long Biên, các chủ cửa hàng chuyển hàng về chợ và sắp xếp lại. Từ 3h đến 6hsáng là khoảng thời gian bận rộn nhất vì đây là lúc những người buôn bán ở Hà Nội và các địa phương đến nhận hàng. Ban ngày, chợ hoạt động bình thường đáp ứng mọi nhu cầu mua bán của người dân thành phố. Đến khi xe chở hàng về, lại diễn ra chu kỳ như ngày hôm trước.
Chợ được xây dựng năm 1991 và đưa vào sử dụng năm 1992, với diện tích trên 2000m2. Từ 500 hộ kinh doanh ban đầu, đến nay, chợ đã có khoảng 600 hộ gồm cả hộ kinh doanh cố định và hộ kinh doanh doanh vãng lai. Trong chợ có đến 70% là các loại hoa quả, còn lại là các mặt hàng đặc thù như thủy, hải sản, gia cầm, hàng khô. Những năm gần đây, chợ còn phát triển các cửa hàng ăn, hàng tắm gội… phục vụ người đi chợ. Tổng lưu lượng hàng hóa ở chợ đến trên 200 tấn mỗi ngày. Lượng người về mua hàng ở đây có thể nói là đông nhất trong các chợ đầu mối của thành phố, kéo theo hàng nghìn người lao động tự do từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định... gây khó khăn trong công tác quản lý chợ nói riêng và công tác bảo đảm trật tự, quản lý nhân khẩu của thành phố nói chung.
Bến xe cũng thành chợ
Diện tích chợ dường như không đủ đáp ứng nhu cầu buôn bán ở đây. Hơn nữa, việc chuyển hàng từ bến xe vào chợ, rồi người cất hàng lại vào chợ chuyển hàng ra hình như vừa mất công sức vừa không mấy thuận tiện nên chủ hàng và người mua trao đổi, buôn bán ngay tại bến xe. Ban đêm xe tải chở hoa quả xếp hàng hai, trước mỗi đuôi xe đều có một chiếc cọc chăng bóng điện sáng choang. Những trái cam, táo, lê, hồng, xoài, nhãn, thanh long, đào… được bày thành từng đụn làm mẫu. Người mua hàng đợi sẵn, trả giá và bốc hàng luôn ở đây. Xe nào cũng có đến 5-7 phụ nữ, mỗi người một chiếc đòn gánh, hai chiếc dây thừng, đứng quây quanh, đợi chuyển hàng thuê.
Anh Vương Duy Toản, Trưởng Ban quản lý Bến xe tải Long Biên cho biết: Do lượng hàng hóa chuyển về bến rất lớn, mỗi đêm ở đây có hàng chục xe tải, chủ yếu là xe 3,5 tấn và xe 5 tấn. Vào ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày lễ tết, số xe về bến nhiều hơn. Bởi vậy đêm nào trong bến cũng chật cứng người và xe. Không chỉ có chen lấn, mặc cả, mà từ đó còn phát sinh cả cãi cọ, tranh giành, xô xát, gây nên tình trạng mất trật tự.
Cũng theo anh Toản, cuối năm 2003, Ban Quản lý đã từng kiên quyết không cho các chủ hàng mua bán trong bến. Khi đó, các xe hàng lại không vào bến mà đậu ngay ngoài đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật để bốc hàng, gây nên cảnh lộn xộn, mất trật tự và ách tắc giao thông, rồi bến xe phải chấp nhận thêm chức năng của chợ.
Cùng tình trạng với bến Long Biên là đoạn đường Yên Phụ và đường Trần Nhật Duật. Những chồng hàng rau, quả… xếp ngay trên mặt đường, lan sang cả phố Hàng Khoai, kéo dài đến trước cửa chợ Đồng Xuân. Nơi đây cũng là bãi đỗ xe của các chủ hàng. Xe đạp, xe máy với những chiếc sọt hai bên hoặc những chồng hàng chất cao cứ đỗ ngang nhiên, chắn hết lối đi. Bãi xe và khu chợ này sầm uất từ 3-4 giờ đêm cho tới 6-7 giờ sáng. Mà 5 giờ, xe buýt và các loại xe khác đã qua lại, ở đây thường xuyên xảy ra cảnh tắc đường vào sáng sớm.
Bao giờ chợ giảm tải?
Hiện nay, hoạt động của chợ Long Biên không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ 2000m2 theo quy hoạch. Chợ đã lan sang bến xe và tràn xuống cả lòng đường. Theo Ban quản lý chợ, gần 200 nhân viên của Ban quản lý chợ chỉ có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự trong khu chợ, còn các hoạt động buôn bán trên đường, trong bến xe lại nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của cơ quan này. Bởi vậy cảnh lộn xộn, mất trật tự và ách tắc giao thông quanh khu vực vẫn xảy ra. Thiết nghĩ, để chợ Long Biên phục vụ nhu cầu của người dân mà vẫn duy trì được trật tự, vệ sinh, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp tổ chức, sắp xếp một cách hợp lý và có biện pháp kiên quyết đối với những trường hợp gây mất trật tự vệ sinh và mỹ quan chung ở khu vực này.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.