(HNM) - Trải rộng 180.000m2 trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg thuộc thủ đô Berlin (Đức), Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đồng Xuân Center) là một địa chỉ thân thiết của cộng đồng người Việt tại quốc gia Tây Âu này từ ngót chục năm nay.
Gần như thành thông lệ, cuối tuần người Việt ở Đức lại rủ nhau đi "chợ" Đồng Xuân để được cảm nhận không khí khá sôi động và "rất Việt Nam" ở đây. Chỉ cần bước qua cổng "chợ" mươi mét, hương vị thịt nướng của bún chả, của nước dùng phở đã bốc lên thơm ngào ngạt, khiến những người xa quê không khỏi xao xuyến. Không hiếm người chỉ thèm một tô phở cũng tới Đồng Xuân. Lại có người đến đây không phải để mua bán gì mà mục đích chỉ để gặp gỡ nói với nhau vài câu tiếng Việt cho đỡ nhớ. Nhiều người quen biết, do không có điều kiện tới nhà thăm nhau, nhưng lại thường xuyên gặp nhau ở Đồng Xuân để trao đổi tâm sự với nhau…
Một góc “chợ” Đồng Xuân tại
Nói như vậy không có nghĩa Đồng Xuân Center chỉ toàn là ẩm thực. Với 250 gian hàng, "khu chợ" này có đủ các sản phẩm từ dệt may, giày dép, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ đến các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, các quầy sách báo, văn hóa phẩm, từ hệ thống nhà hàng, vui chơi giải trí tới các quầy thực phẩm đủ loại phong phú của Việt Nam.
Không giống như nhiều khu chợ khác của người Việt từng mọc lên ở Đức như Rhin 139, Rhin 100, Marzahn 19, từng hoạt động rầm rộ một thời gian ngắn rồi lần lượt giải tán, Đồng Xuân Center đã đứng vững trong suốt 9 năm qua. Không những thế, "khu chợ" này đang từng bước phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng để trở thành hình mẫu về một Trung tâm liên hoàn thương mại - văn hóa đa dạng, quy mô lớn, tạo ra bộ mặt tiêu biểu tự hào của cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Vì thế, Đồng Xuân Center đã được chính quyền quận Lichtenberg đánh giá cao những đóng góp về kinh tế và văn hóa tại khu vực.
Ngay cả người Đức bản địa và người các nước khác cũng tới "chợ" Đồng Xuân khá đông vào dịp cuối tuần. Họ đều cảm nhận được một cuộc sống sôi động rất Á Đông ngay trên đất Đức. Dù mua sắm không nhiều, nhưng khách hàng phương Tây tới đây chủ yếu muốn tìm hiểu và hòa nhập vào nếp sinh hoạt của cộng đồng người Việt, thưởng thức các món ăn đặc sắc và hơn hết là biết đến văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Vì thế, Đồng Xuân Center đã "vô tình" mang thêm trên mình chức năng cầu nối giao lưu văn hóa và mở rộng tình hữu nghị của cộng đồng người Việt với bạn bè Đức và quốc tế, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Mới đây, thời báo Berliner Zeitung còn đăng một phóng sự ngắn của nữ phóng viên người Argentina Natalia Fabeni về Đồng Xuân Center với tiêu đề "Một góc Việt Nam ở Berlin". Trong đó có đoạn: "Tôi đã bị lạc đường. Chẳng biết điều đó xảy ra như thế nào, chỉ thấy bỗng nhiên tôi đang ở Việt Nam. Dù rằng chuyến đi đến đó chỉ kéo dài có 20 phút. Lẽ ra tôi đã phải phát hiện được điều đó, bởi vì những hành khách còn lại trong chuyến tàu điện trông khác hẳn người địa phương, khi tàu đến gần khu thương mại ở phố Herzberg. Một tấm biển lớn với hàng chữ to màu vàng "Đong Xuan Center", ngôi chợ Việt Nam ở Đông Berlin có tên gọi như vậy. Đúng như tên của ngôi chợ lớn nhất và lâu đời nhất ở Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam. Trong các khu chợ, những quầy hàng với những loại hoa quả, rau cỏ mà trước đó tôi chưa hề được nhìn thấy. Rồi các tiệm vẽ móng tay, đồ điện, cắt tóc, quần áo... Tất cả trong cùng một địa điểm, như vũ trụ riêng, một thế giới riêng trong lòng một thế giới khác, với những nguyên lý của riêng mình. Tôi thật sự ngỡ ngàng. Những người ở đây đã giữ được văn hóa và thói quen của họ và họ cũng rất tự hào về những gì họ đã đạt được. Tôi cho rằng, "Thành phố Châu Á" này là một thí dụ hay về sự giao lưu văn hóa và đã cho thấy những điều có thể đạt được bằng những nỗ lực và sự tin cậy lẫn nhau của hai nền văn hóa khác biệt".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.