(HNM) - Cách đây chừng mươi năm, Hà Nội bỗng rộ lên "phong trào" xây dựng chợ. Quận nào, huyện nào cũng lập dự án, xin thành phố cấp cho dăm, bảy tỷ đồng để cải tạo, xây dựng chợ. Hàng loạt chợ đầu mối, chợ chính… với quy mô lớn được mọc lên khắp nơi.
Cứ ngỡ, nét văn minh thương mại thời hiện đại sẽ dần thay thế cảnh buôn bán tạm bợ ở những khu chợ cóc, chợ tạm dân sinh nhưng thực tế cho thấy nhiều điều ngược lại.
Chợ Minh Khai đã xây dựng xong nhưng đưa vào hoạt động không hiệu quả, luôn trong cảnh đìu hiu. Ảnh: Bảo Nga |
Xây chợ rồi... bỏ hoang!
Năm nay đã ở tuổi thất thập nhưng ông Nguyễn Trọng Xuyên (xã Hải Bối, Đông Anh) vẫn giữ nguyên dáng vóc chắc nịch của một lão nông tri điền với giọng nói sang sảng. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ông vẫn nhớ như in từng sự kiện lớn, nhỏ của làng, của xã. Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về thực trạng hoạt động của chợ đầu mối Bắc Thăng Long, giọng ông Xuyên bỗng chùng hẳn, ánh mắt xa xăm: "Các cô, các chú nhìn mà xem, cả khu đất hai mặt tiền, nằm ngay sát chân cầu Thăng Long đẹp là thế, ấy vậy mà họ xây chợ đầu mối rồi để mặc cho cỏ dại mọc đầy. Các cụ nói quả không sai, phàm cái gì "đẻ non" thường "chết yểu". Dân chúng tôi nhìn mà xót lắm...". Rồi ông chậm rãi kể về lai lịch của khu chợ đầu mối Bắc Thăng Long. Ấy là năm 2003, khi những vạt ruộng của người dân xã Hải Bối đang kỳ xanh tốt, đùng một cái, người dân nhận được thông báo của UBND xã Hải Bối với nội dung, thành phố có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, san lấp để xây dựng chợ đầu mối Bắc Thăng Long. Thời điểm đó, hầu hết người dân ở đây đều cho rằng, địa điểm xây dựng chợ đầu mối là không phù hợp. Thứ nhất, chợ đầu mối nằm quá xa trung tâm thành phố. Hơn nữa, xung quanh chợ đầu mối này có rất nhiều chợ dân sinh, chưa kể chợ đầu mối nông sản Xuân Đỉnh nằm cách đó chỉ hơn 1km. Nhưng lãnh đạo huyện Đông Anh quyết tâm, thành phố cũng quyết tâm xây dựng chợ. Tháng 3-2004, sau hơn một năm thi công, chợ đầu mối Bắc Thăng Long chính thức được đưa vào hoạt động. Chợ được xây dựng trên diện tích 30.000m2, chia thành 3 khu vực kinh doanh, gồm nơi bán hàng nông, lâm sản, khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống và khu dịch vụ ăn uống, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 13 tỷ đồng. Mục đích xây chợ là giúp nông dân, tiểu thương trên địa bàn thuận tiện giao dịch, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân nội thành và các tỉnh lân cận. Những ngày đầu hoạt động, chợ đầu mối Bắc Thăng Long khá nhộn nhịp với trên 200 hộ kinh doanh đấu thầu thuê địa điểm. Nhưng chỉ sau vài tháng, người bán, kẻ mua trong chợ cứ thưa dần, thưa dần rồi vắng hoe. Theo ông Xuyên, sở dĩ có hiện tượng trên là do ngay từ khâu thiết kế, chợ đầu mối Bắc Thăng Long đã có nhiều bất cập. Mùa hè, toàn bộ khu chợ chính bị nắng xối thẳng vào từ sáng đến tối. Gặp hôm trời mưa, nước từ mái tôn chảy xuyên suốt từ khu chợ bên này sang ngành hàng bên kia, khiến người ngồi trong chợ mà chẳng khác gì đứng giữa trời... Từ con số hàng trăm hộ buôn bán, chỉ sau ít tháng, số hộ đăng ký kinh doanh tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long chỉ còn vẻn vẹn con số 60. Do hoạt động kém hiệu quả, năm 2005, thành phố quyết định giao cho Tổng Công ty Dệt may Việt Nam đầu tư, xây dựng lại chợ đầu mối Bắc Thăng Long thành trung tâm bán buôn phụ kiện may mặc. Nhưng ngay cả ý định chuyển đổi mục đích khu chợ đầu mối cũng bất thành bởi địa điểm này không được phép xây dựng nhà cao tầng do vướng hành lang an toàn đường sắt.
Để cứu vãn tình thế, cuối năm 2007, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh chuyển giao quyền khai thác chợ đầu mối Bắc Thăng Long cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tiếp tục quản lý, kinh doanh, khai thác công năng của chợ. Công bằng mà nói, sau khi tiếp quản, trung tâm kinh doanh chợ đã có nhiều cải tiến, thúc đẩy hoạt động mở rộng đa ngành, nghề kinh doanh... song vẫn không thu hút được các doanh nghiệp, tiểu thương vào chợ buôn bán.
Sau 8 năm hoạt động, bất cứ ai khi đặt chân tới cổng chợ đầu mối Bắc Thăng Long đều không thể nhận ra bóng dáng của khu chợ văn minh, hiện đại thuở nào. Tấm biển "Chợ đầu mối Bắc Thăng Long" đắp bằng xi măng đã rơi rụng tả tơi từ khi nào, không còn đọc rõ chữ. Hai nhà chờ chính được xây dựng bằng kinh phí hàng tỷ đồng nay biến thành kho chứa gỗ, tập kết phế liệu... Ngoài diện tích nhỏ được trung tâm kinh doanh chợ tận dụng làm bãi trông xe, hầu hết diện tích sử dụng của chợ đều trong cảnh bị bỏ hoang, lau lách, cỏ dại cao lút đầu người. Chợ hoạt động cầm chừng từ khoảng 1h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau trên diện tích chừng 300m2, đó cũng là khoảng thời gian hiếm hoi duy nhất trong ngày chợ đầu mối Bắc Thăng Long hoạt động đúng chức năng của nó.
Cách chợ Bắc Thăng Long không xa, chợ đầu mối Minh Khai (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) cũng đang trong tình trạng "dở sống, dở chết". Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, sát mặt đường QL32, chợ đầu mối Minh Khai có diện tích 41.500m2, bao gồm nhà giết mổ gia súc, gia cầm, trung tâm thương mại, hệ thống sạp ngoài trời, bãi đỗ xe... được chia làm 3 giai đoạn xây dựng. Kết thúc giai đoạn 2, tổng mức đầu tư xây dựng chợ đã lên tới 27,322 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 3 chợ sẽ xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 24 tầng, với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, dự kiến khánh thành vào năm 2010, nhưng đến nay không hiểu vì lý do gì, vẫn chưa thực hiện. Tháng 9-2008, chợ đầu mối Minh Khai chính thức khai trương với hơn 400 gian hàng, cảnh người bán, kẻ mua khá tấp nập. Thế nhưng, cũng giống như chợ đầu mối Bắc Thăng Long, chỉ sau thời gian ngắn, chợ gần như ngưng hẳn mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán. Có mặt tại chợ đầu mối Minh Khai vào buổi xế trưa mới thấy hết cảnh đìu hiu, quạnh quẽ của khu chợ có quy mô lớn nhất, nhì thành phố. Mới đưa vào hoạt động khoảng 3 năm, nhưng chợ có vẻ ngoài của một khu vực bị bỏ hoang lâu ngày. Cả chợ chỉ còn lác đác 2-3 quầy hàng mở cửa. Một người phụ nữ mệt mỏi ngủ gục ngay trên sạp hàng. "Chợ vắng quá, cả ngày mới có một, vài ba khách qua lại nên tôi ngủ quên lúc nào chẳng biết" - người phụ nữ phân trần. Đi sâu vào khu chợ 1 tầng, hiện ra trước mắt chúng tôi là những dãy kiốt dài tăm tắp, tất cả đều trong tình trạng cửa đóng, then cài. Ổ khóa kiốt nào cũng phủ một lớp bụi do lâu ngày không được mở. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những tờ giấy đề dòng chữ "Bán kiốt" rất to được dán ngay trên tường. Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở khu nhà A2. Tò mò bước qua cổng bảo vệ nằm cách khá xa khu vực cổng chính, đập vào mắt chúng tôi là tổ hợp kinh doanh karaoke - nhà hàng cafe mang cái tên rất "Tây" Moonlight cafe, được xây dựng ngay trong khuôn viên chợ đầu mối. Khu kinh doanh gồm hai gian nhà cấp 4, tường gạch, mái tôn được xây dựng khá hoành tráng trên diện tích khoảng 200m2. Khi được hỏi, tại sao trong chợ đầu mối lại có cả nhà hàng, quán karaoke? Anh nhân viên bảo vệ ấp úng thoái thác: "Việc đó em không biết. Có gì cần thắc mắc, mời anh chị đến gặp lãnh đạo BQL chợ"...
Có nên chuyển đổi công năng?
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng hàng loạt chợ đầu mối xây dựng xong rồi bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả, một cán bộ Sở Công thương lý giải: Để các chợ đầu mối phát huy đúng chức năng, ngoài việc chọn địa điểm hợp lý, thuận tiện giao thông và xây dựng hạ tầng đồng bộ, cần có nhiều yếu tố khác. Lâu nay thói quen của người dân là tiện đâu mua đấy nên nạn chợ cóc, chợ tạm hoạt động tràn lan. Đây cũng là nguyên nhân góp phần "giết chết" chợ chính. Bên cạnh đó, BQL các chợ cần phải có chính sách quản lý linh hoạt, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tiểu thương, hộ gia đình vào chợ kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ nên khuyến khích các hộ kinh doanh đúng chức năng, ngành nghề, chứ không phải tận thu theo kiểu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào cũng được phép thuê mặt bằng, xây dựng trụ sở, nhà hàng trong khuôn viên chợ...
Tìm hiểu thực trạng của một số chợ đầu mối, chợ chính trên địa bàn thành phố, càng thấy thấm thía lời nhận xét của vị cán bộ nọ. Đơn cử, chợ đầu mối nông sản Xuân Đỉnh là một ví dụ về việc chọn sai vị trí xây dựng chợ. Với quy mô 10.000m2, chợ được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 10-2001. Nhưng chỉ được ít hôm, phần lớn các kiốt phải lần lượt đóng cửa vì vắng khách. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng lý do chính là chợ nằm gần đường cao tốc Nam Thăng Long, nhưng cổng chợ lại hướng vào một con ngõ rộng chưa đầy 6m, rất khuất nẻo và khó tìm. Chợ đầu mối Minh Khai tuy được xây dựng sát QL 32, thuận tiện cho việc thông thương, nhưng lại không thu hút được tiểu thương do người mua không quen mối hàng, chợ nằm quá xa trung tâm thành phố... Bên cạnh đó, tuyến QL 32 đang trong giai đoạn thi công mở đường nên thường xuyên trong cảnh bụi mù mịt và lồi lõm ổ gà, rất khó đi. Với chợ đầu mối Bắc Thăng Long, ngoài "lỗi" thiết kế, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ chợ chỉ hoạt động "cầm hơi" là do chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc...
Để cứu vãn tình thế, nhiều BQL chợ đầu mối đã mạnh dạn xin chuyển đổi công năng. Chợ đầu mối Xuân Đỉnh nay đã thành chợ dân sinh, riêng trung tâm quản lý chợ đầu mối Bắc Thăng Long cũng đang ấp ủ dự định chuyển đổi chức năng chợ đầu mối và điểm đỗ xe công cộng thành trung tâm phân phối và mua sắm Hà Nội... Tuy nhiên, do thiết kế chợ rất đặc trưng, vì thế, muốn chuyển đổi công năng của các chợ hoạt động kém hiệu quả, hoặc thành phố cho đấu thầu, hoặc phải đầu tư không ít tiền của. Nhưng "thà một lần đau" mới mong giải quyết dứt điểm tình trạng xây chợ đầu mối rồi bỏ hoang, gây lãng phí tiền của, đất đai, công sức của nhân dân và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.