Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ cóc...

Hoàng Định| 16/11/2010 07:55

(HNM) -Chả biết ai là người đầu tiên gọi nó là

Tuy giá không rẻ nhưng “chợ cóc” thuận tiện cho người cần mua bán nhanh. Ảnh: Thái Hiền


Thành phố giờ có nhiều loại hình chợ, mà người ta chỉ để ý đến chợ to. Đồng Xuân cùng các trung tâm thương mại từ lâu đã thành nơi bán buôn là chính. Hàng Da, Ngã Tư Sở, Mơ đang lên cũng sẽ thế. Siêu thị Big C, Metro, Mê Linh Plaza vào phải gửi xe, mà dắt tiền triệu trong túi du ngoạn một lúc đã bay cái vèo. Cạnh đó là những "loại hình" nhỏ, kiểu chợ phường, hàng rong trên xe đạp, quang gánh, xe đẩy, tiện gặp thì mua. Trong mỗi khu phố, chung cư mới xuất hiện nhiều cửa hàng bán lẻ thực phẩm, cũng bày giỏ để nhặt kiểu siêu thị, tuy khá tiện lợi nhưng không phải bao giờ người ta cũng đi được. Nghĩa là đa dạng, lắm quy mô rồi, lại tạo nên hình ảnh văn minh, hiện đại cho thành phố.

Nhưng chợ cóc vẫn tồn tại và thật khó có gì thay thế được. Lụn vụn, nhoáng nhoàng đầu hôm hay non trưa, đang đông vui bị chộp thì tan biến rồi lại "sum họp" ngay, mà nó dai nhanh nhách. Đa phần bán lẻ thực phẩm, đấy chỉ dành cho loại công dân hành quân bằng xe máy, xe đạp, đôi chân. Người mua đa phần phải vào bếp hằng ngày, tức phụ nữ - những thành viên tạo nên bữa ăn gia đình. Nói thế để thấy số người liên quan mật thiết đến chợ cóc nhiều hơn số đi các loại chợ khác gấp bội phần. Đi ô tô thì gần như tuyệt nhiên không vào. Nó hợp với siêu thị lớn, mỗi tuần một lần sắm sửa.

Những cô xe ga váy kiểu diện ơi là đẹp, sau thời gian làm người của xã hội, hối hả tạt vào chợ, môi đỏ mặc cả sát sạt, móng tay xanh nhón nhón bốc bốc. Mớ ốc đồng cô "vừa thấy đã thương", tuy đắt hơn ở chợ chính nhưng tý nữa tha hồ mẹ dạy con gái khêu, mút. Và đu đủ, táo, hồng tuy vặn vẹo mắt mấu nhưng biết ngay là lành. Mang được ngần ấy nguồn vui về nhà chỉ mất mươi lăm phút, tiện lắm chứ.

Nhưng chợ cóc đóng vai trò "thân thương" nhất, đến mức không thể thiếu là với các bà có tuổi, những người từ vươn thở đến tiếng thơ chỉ lo mỗi sự nghiệp dồn cho chồng, con, cháu ngon miệng. Chỗ tôi ở các bà đi thể dục tinh mơ xong qua chợ, đến bảy rưỡi đã "buôn" được vài lần như thế. Mươi nắm rau ngót bờ rào vặn túm rơm, con gà ta mặc cả xong thì "mày làm lông luôn cho cô đi", nhoáng cái đã nhẵn nhụi. Có những thức như là đặc sản từng chợ. Từ Lương Sơn, Xuân Mai cách bốn năm chục cây, chị Mường bày ra thúng lặc lày, sắn. Khoai, ngô, đỗ, dâu quả, đu đủ, chuối ven sông Đáy mùa nào lên thức nấy. Mùa hoa sữa chín có cốm Mễ Trì, giáp Tết ê hề cam Canh, bưởi Diễn, lá dong, đỗ xanh, gạo nếp. Đấy là tính phía tây, giáp xứ Đoài cũ. Còn sang mé Hàm Tử lại lắm cá sông, măng, nheo, bò còn tươi rói, măng tươi cất từ Bắc Giang, Lạng Sơn. Những mè, trắm cỡ hai ba cân đã xắt khúc, có người chỉ lấy cái đầu, bộ lòng về nấu dấm, khúc giữa lại người khác mua. Thìa là, ngổ, cà chua nhặt ngay hàng bên cạnh, mà om thì riềng mẻ cũng sẵn lắm. Giữa những tanh tao om sòm nổi bật mấy xe hoa, hồng, cúc cất từ trên Mê Linh hay chợ Quảng An từ tàn đêm còn mơn mởn, hiếm hoi có cả hoa láng, hoa chuối, sen, quỳ rất độc đáo. Ngày rằm, mùng một, bên hàng hoa lại có mẹt vàng mã, vừa bán vừa dè chừng anh tự quản, chú công an.

Chợ cóc không hẳn rẻ nhưng tiện lợi, lắm thức lạ, đáp ứng đủ loại yêu cầu. Trẻ con ra ăn cháo trai, cháo sườn sáng sớm, đàn ông vợ sai mua chục quả cà hay nắm bún. Ngoài mua bán còn vô số thứ để giao lưu, cái văn hóa làng hiển hiện giữa thành phố đang vừa thành thị hóa nông thôn vừa nông thôn hóa thành thị. Người mua thấy một phần bản thân mình trong người bán, người bán thèm muốn thân phận của người mua. Nói thế vì người bán, đa phần là từ quê vào, mang những thứ họ vừa cất được, hay chính tay mình nuôi trồng. Sản vật thứ phẩm thì chỉ bán chợ làng chứ đừng đem vào đây, mồm miệng dân Kẻ Chợ kén chọn lắm. Và cũng không cân điêu được, kẻo mà hôm sau bị ăn mắng, cạch mặt. Trong "quá trình" mặc cả, ngã giá có những quan hệ tình cảm nảy sinh, chứ không sòng phẳng, lạnh lùng như ra "chợ tỉnh" siêu thị. Càng ra chợ làng, chợ vùng cao, cái đặc trưng văn hóa này càng rõ. "Có họ" cả đấy, đi "chợ phường" người ta không phải chỉ bán, mua, mà còn để chơi. Chơi với ai? Thì là bà tầng trên chỉ gặp nhau trong cầu thang máy, cô cuối phố vẫn biết mặt mà chưa tường tên. Mách nhau "đứa bán chuối, bưởi mãn tang mẹ chồng lại đi rồi", hay "chỗ tôi thể dục sáng có chiếu quần áo giá bình dân chọn tha hồ, mà đi sớm kẻo bảy rưỡi chợ tan.

Thì là giữa người bán với nhau, hoa quả Bắc Qua, Hà Đông, Long Biên chợ chiều ế dập bán rẻ thối, bãi giữa đang kỳ bẻ ngô, mạn ấy có hội nghị quốc tế quan trọng cấm đường. Hay rau muống xơ mới chợ Hàng Bè mười ba nghìn một mớ, buôn về đây bán rẻ hơn cũng lãi chán. Mùa cải Đông Dư, khế cơm Bắc Biên, thông tin chả mất tiền cũng vô ối.

Lại còn giữa bên bán với bên mua. Thông thường người bán "chiếm lĩnh" chiếu xưng hô bậc dưới, cách nhau vài tuổi vẫn gọi cô xưng cháu, xác định mình "phận quê" mà. Họ, đa phần đàn bà, bé nhỏ, cặm cụi, dai sức không thể tưởng. Đạp từ Mai Lĩnh, Vân Đình về lúc 3 giờ sáng, Kim Chung, Đông Dư sang muộn hơn, dù xa nhưng hào lãi vẫn nhiều hơn bán buôn hay đem ra chợ làng. Mùa cấy hái nhổ mạ họ nghỉ, xong lại đi, hoặc đi sáng chiều ra đồng. Củ măng, khoai môn, quả lặc lày từ Xuân Mai, trứng vịt Vân Đình, thịt lợn Phú Xuyên, Thường Tín. Tết đến hoa Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định lên phát ngốt, chợ cóc bán không hết lại dong các ngõ. Ăn lãi ít thì bán được nhiều, lắm người cắt tiết, làm lông gia cầm không công. "Canh ty" với chủ nhà trong chợ, trả trăm nghìn mỗi tháng, họ đốt bếp than trước cửa, giải tấm xơ dứa ra cắt cắt vặt vặt, xong quét dọn cho sạch sẽ "kẻo không được ngồi nữa". Người bán với người mua hay chủ cái hàng hiên cho ngồi ké dần dần nảy sinh những quan hệ mới. Một đằng là dân quê bán mặt cho đất đi kiếm ăn, đằng dân tỉnh cảm thấy mình đầy đủ hơn, có chút thương xót. Không hẳn đã biết tên nhau, bên này lại cho nợ, bên kia thuộc hẳn giỗ chạp, tháng sinh, thấy không đi thì hỏi thăm. "Họ là phận quê, ăn nói nhẹ nhàng, nhẫn nhục lắm", có câu nhận xét thế.

Chợ cóc có được phép họp không? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, nếu cứ nhìn vào sự tồn tại của nó. Tồn tại theo kiểu "cóc", thoắt biến thoắt hiện, "đập" chỗ này "nhảy" chỗ khác, thường ra chỗ giáp ranh hai phường, rìa các chợ lớn hay chui vào ngõ. Thế mới sinh lắm chuyện.

Một mặt, đấy không phải bộ mặt tiêu biểu, đáng vươn tới của đô thị "hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp". Hàng cá tanh tưởi, hàng thịt ruồi bâu, tan chợ rác rau hoa bừa bãi, gà cúm, lợn tai xanh vẫn dấm dúi bán. Phải nói là nhiều người quê đem cái tạm bợ ra phố, coi đấy chỉ là chỗ cốt bán được hàng, cúi xuống lụy mà sinh tồn cho bằng được. Nhiều nhà rìa chợ có mặt tiền đẹp sáng ra đã đầy rác. Mắng mỏ, đuổi thì vâng vâng, quét tước xong dồn hết xuống cống, đuổi nữa ra câng câng. Chợ cóc, chẳng mấy khi họp trên đường lớn. Tuy gần như không có đám móc túi, đây lại là chỗ gầy được ván bài lúc ế ẩm, rồi sát phạt, tranh khách om sòm, có khi đánh nhau. Nhưng phải nói đàn bà ngồi chợ không mấy người "quá thể đáng" thế.

Mặt khác, như đã nói ở trên, đây lại là "loại hình" đô thị cần. Có cần thì mới tồn tại được. Hình như với ai đó nó chỉ "tồn tại tạm". "Tạm" thì tạm bợ thôi, chả văn minh sạch sẽ quá làm gì. Chợ cóc, nếu chỉ coi nó là "tạm" thì sẽ rất lắm chuyện. Trước hết, nó là vấn đề của cấp phường, chính quyền coi trọng cuộc sống của dân đến đâu thể hiện ở đây. Không công nhận để quan tâm cho vào nền nếp, nhưng lại coi là một nguồn thu, kỳ lễ lạt, dịch bệnh thì dẹp, nó không thể cho bộ mặt đẹp.

Chừng như là thấy điều ấy, có phường cho "họp hành" tử tế. Nhân viên tự quản do chi bộ, tổ dân phố cử ra đứng trông suốt buổi, chịu khó nhắc nhở giữ vệ sinh, trật tự, ăn nói lọt tai. Được đôn lên "cóc" ta cũng đàng hoàng hẳn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chợ cóc...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.