(HNM) - Cuộc bầu cử Quốc hội lần hai đã không kết thúc được bế tắc trong việc thành lập chính phủ mới tại Tây Ban Nha. Kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 26-6 cho thấy, đảng Nhân dân (PP) bảo thủ của quyền Thủ tướng Mariano Rajoy đã về đầu khi giành được 137 ghế,
Đảng Nhân dân của quyền Thủ tướng M.Rajoy chưa giành được đa số cần thiết tại Quốc hội Tây Ban Nha. |
Tuy vậy, kết quả này vẫn ít hơn so với mức 176 ghế cần thiết để giành được đa số trong Quốc hội 350 thành viên. Trong khi đó, đảng Xã hội (PSOE) đứng ở vị trí thứ hai với 85 ghế. Liên minh cánh tả Unidos Podemos chống chính sách "thắt lưng buộc bụng", trong đó bao gồm những người theo đảng Cộng sản và đảng Xanh, giành được 71 ghế. Liên minh này đã hy vọng vượt qua được PSOE, trong một nỗ lực nhằm phá vỡ sự kiểm soát lưỡng đảng truyền thống ở nước này. Đảng Ciudadanos từng được xem là một đồng minh tự nhiên của quyền Thủ tướng M.Rajoy chỉ về thứ tư với 32 ghế. Với kết quả này, các đảng một lần nữa dự kiến sẽ quay trở lại bàn đàm phán cho những cuộc thương thảo mà các nhà phân tích đều cho rằng sẽ rất khó khăn.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, Thủ tướng tạm quyền của Tây Ban Nha, M.Rajoy bày tỏ hy vọng các đảng trong Quốc hội mới sẽ đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ do đảng PP của ông đứng đầu trong vòng một tháng tới. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông M.Rajoy nhấn mạnh: PP đã về nhất trong cuộc bầu cử vừa qua và có quyền thành lập chính phủ. Ông M.Rajoy cũng cho rằng, các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới sẽ rất khó khăn và phức tạp, nhưng không thể kéo dài nhiều tháng như lần trước.
Cuộc bầu cử này là hệ quả tất yếu từ cuộc bầu cử hồi tháng 12 năm ngoái, khi đó Quốc hội Tây Ban Nha bị chia rẽ nghiêm trọng. Đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh kéo dài hơn 4 tháng sau đó giữa PP, PSOE, Unidos Podemos và Ciudadanos đã kết thúc mà không đạt kết quả nào. Trong khi đó, nhà lãnh đạo của PP, M.Rajoy - người đang giữ chức Quyền Thủ tướng - không thể tìm được sự ủng hộ, bất chấp những kêu gọi không ngừng về việc thành lập một đại liên minh giữa PP, Ciudadanos và PSOE. Chính sự bất lực này đã buộc Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI ký sắc lệnh giải tán Quốc hội hồi đầu tháng 5. Và với kết quả hiện có, để tránh một cuộc bầu cử thứ ba trong vòng hơn nửa năm, PSOE sẽ phải lựa chọn một trong hai phương án: Một là ủng hộ liên minh cánh tả dẫn đầu bởi một đảng cạnh tranh với họ và thứ hai là tham gia một chính phủ dẫn đầu bởi một đối thủ chính trị là đảng PP trung hữu.
Nếu tiếp tục thất bại trong các cuộc đàm phán, tương lai của xứ Bò tót chắc chắn sẽ gặp rất nhiều bất ổn, đặc biệt là dưới tác động từ cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vừa diễn ra tại Anh. Trên thực tế, từ lâu, Xứ Basque và vùng Catalonia vẫn muốn tách khỏi Tây Ban Nha. Lo ngại trước tâm lý xáo trộn của cử tri, quyền Thủ tướng M.Rajoy trước cuộc bầu cử Quốc hội đã lên tiếng kêu gọi dân chúng sáng suốt lựa chọn một chính phủ đủ mạnh để ổn định tình hình đất nước trước những sóng gió khi con thuyền nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).
Khó khăn trước mắt của Tây Ban Nha là làm sao để thành lập được chính phủ hợp pháp nhằm lãnh đạo đất nước vào thời điểm Châu Âu đang gặp những thách thức chưa từng có. Tình hình đã có những thay đổi bất lợi và các chính đảng ở Tây Ban Nha cần có một sự thỏa hiệp nhanh chóng nhằm ngăn chặn những sự cố mới có thể xảy ra đối với sự ổn định chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.