(HNMO) - Hội đồng nghiệm thu của Ban QLDA Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) và Tổ hợp nhà thầu EPC đã tiến hành các thủ tục pháp lý, ký nghiệm thu và bàn giao công trình từ Nhà thầu sang Chủ đầu tư vào ngày hôm qua 25/8.
Công ty LHD Bình Sơn được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận công trình để quản lý và vận hành cùng NMLD Dung Quất. Công trình tiêu biểu này đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn chọn và quyết định gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ I.
Dự án nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) đã được hình thành từ rất sớm trong quy hoạch tổng thể về phát triển cụm công nghiệp lọc hóa dầu tại Dung Quất – Quảng Ngãi. Tháng 7/2002, Chính phủ đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng nhà máy Polypropylene. Tháng 9/2006, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai dự án với hình thức tự đầu tư.
Ngày 29/11/2007, Hợp đồng EPC dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene đã được ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tổ hợp Nhà thầu bao gồm Hyundai Engineering (HEC), LG International (LGI), Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí (PVE) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC); trong đó Hyundai Engineering của Hàn Quốc là nhà thầu đứng đầu.
Nằm ở phía Tây Nam NMLD Dung Quất, Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP được xây dựng trên diện tích gần 16ha. Nguyên liệu đầu vào của nhà máy là khí Propylene được sản xuất ra từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ Propylene, cùng với Hydrogen và xúc tác, nhà máy sản xuất ra trên 30 loại sản phẩm nhựa Homopolymer PP sử dụng cho các ứng dụng khác nhau, đáp ứng một phần nhu cầu hạt nhựa của thị trường trong nước.
Nhà máy sử dụng công nghệ Hypol-II của nhà cung cấp bản quyền Mitsui Chemical, Inc. - Nhật Bản - một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới - có nhiều tính năng phù hợp để có thể sản xuất ra các sản phẩm với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Công nghệ này được áp dụng tại hơn 20 nhà máy sản xuất Polypropylen trên toàn thế giới, trong đó tại khu vực Đông Nam Á có 5 nhà máy đã sử dụng.
Ngày 19/12/2007, nhà máy được tiến hành khởi công. Đây cũng là giai đoạn quyết liệt nhất của quá trình triển khai công tác xây lắp trên đại công trường NMLD Dung Quất. Các thành viên của Tổ hợp nhà thầu do HEC đứng đầu đã thể hiện đầy đủ năng lực và trách nhiệm, uy tín và kinh nghiệm, hợp tác chặt chẽ với chủ đầu tư triển khai hoàn thành các hạng mục công việc.
Ngày 15/7/2010, nhà máy PP đã chính thức sản xuất ra sản phẩm sau khi tiến hành nạp nguyên liệu, điện và phụ trợ từ NMLD Dung Quất.
Ngày 23/7/2010, nhà máy đã xuất bán 100 tấn sản phẩm hạt nhựa đầu tiên. Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Petrosetco và Tổng Công ty Cổ phần Dung dịch Khoan & Hóa phẩm Dầu khí là hai đơn vị được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giao tiêu thụ sản phẩm của nhà máy.
Tính đến ngày 24/8/2010, nhà máy đã sản xuất được hơn 12,5 nghìn tấn sản phẩm và đã xuất bán trên 11,5 nghìn tấn. Nhà máy PP trong điều kiện hoạt động ổn định sẽ có doanh thu từ 170 - 200 triệu USD/năm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế chung của NMLD Dung Quất.
Như vậy, dự án Nhà máy sản xuất PP đã về đích. Đó là niềm tự hào của người lao động Dầu khí Việt Nam, thể hiện quyết tâm lớn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu; là thành quả của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.