(HNM) - Với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa quy định về việc tuyển thẳng thí sinh (TS) của 62 huyện thuộc diện nghèo trong cả nước vào quy chế tuyển sinh sau khi được áp dụng lần đầu vào năm 2012.
Ngay từ khi chủ trương mới được đưa ra, một số chuyên gia tuyển sinh đã lo ngại rằng số TS này khá lớn, ước chừng 5.000 học sinh lớp 12, sẽ ảnh hưởng tới các đối tượng ưu tiên khác cũng như tới chất lượng đầu vào nói chung. Nhiều lãnh đạo nhà trường còn khẳng định việc xét học bạ không đủ căn cứ để quyết định một TS có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo ĐH hay không.
Nhiều trường đã đưa ra quy định xét tuyển, song vẫn là xa vời với nhiều học sinh các huyện khó khăn. Ảnh: Thanh Hải |
Có thể cũng bởi lo ngại như vậy mà năm 2012, các trường đã đưa ra những điều kiện hết sức ngặt nghèo khiến ước mơ được học ĐH đã khó thành hiện thực đối với các TS được ưu tiên nói trên. Thậm chí, một số trường như ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) còn thẳng thừng không tiếp nhận đối tượng này. Các trường còn lại yêu cầu TS phải đạt học lực khá, giỏi ở cả 3 năm THPT, tốt nghiệp đạt loại khá hoặc giỏi. Kết quả là có địa phương, dù có hàng nghìn hồ sơ đăng ký, không có học sinh huyện nghèo nào đạt tiêu chuẩn vào ĐH.
Kỳ tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Kinh tế đã phải đưa ra quy định xét tuyển song vẫn là xa vời với nhiều học sinh: Vừa là học sinh giỏi 3 năm THPT vừa phải tốt nghiệp loại giỏi. Đó cũng là điều kiện đặt ra ở nhiều trường khác như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Công đoàn với bậc ĐH (trường hợp xét tuyển vào các ngành bậc CĐ, phải đạt học lực 3 năm cấp THPT và tốt nghiệp THPT loại khá); Trường ĐH Mỏ địa chất; Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội); ĐH Y Dược và ĐH Huế… Một số trường chỉ yêu cầu học lực và tốt nghiệp loại khá trở lên nhưng lại có thêm các điều kiện đi kèm không kém phần khó khăn. Học viện Chính sách và Phát triển yêu cầu thí sinh có 3 môn học lớp 12 tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh phải đạt điểm 8 trở lên/môn.
Không thuộc chỉ tiêu đã xác định
Bảo đảm chất lượng đào tạo là lý do mà các trường đưa ra để lý giải cho các điều kiện của mình. Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn Dương Văn Sao cho rằng: "Các trường nhóm trên chắc chắn có quy định ngặt nghèo để bảo đảm chất lượng đầu vào, trên cơ sở đó bảo đảm chất lượng đầu ra để giữ uy tín, thương hiệu cho nhà trường. Ở Trường ĐH Công đoàn, mùa tuyển sinh năm ngoái không có em nào được tuyển theo chính sách ưu tiên nói trên". Bà Lê Thị Thu Thủy, đại diện Trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng: "Chúng tôi tạo điều kiện cho các em có cơ hội vào học tại trường theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT nhưng cũng phải đáp ứng được mặt bằng sàn đầu vào của trường".
Bên cạnh các điều kiện liên quan tới học lực, các trường còn "thòng" thêm giới hạn về chỉ tiêu đối với diện ưu tiên theo chính sách với hộ nghèo, lý do là chỉ tiêu có hạn, nếu lấy nhiều TS ưu tiên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các TS khác. Trường ĐH Thương mại chỉ dành không quá 1% chỉ tiêu tuyển sinh theo từng chuyên ngành đào tạo. Trường ĐH Luật Hà Nội đặt ra mức không quá 2% tổng chỉ tiêu, Trường ĐH Ngoại thương không quá 1% chỉ tiêu.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Đại học (GD ĐH) Bùi Anh Tuấn phần nào chia sẻ quan điểm trên của các trường: "Cả nước có trên 420 trường ĐH, CĐ, về cơ bản các trường thuộc nhóm trên đưa ra những điều kiện là để cân đối các nguồn tuyển khác nhau. Vì còn nhiều đối tượng ưu tiên khác trong tuyển sinh như TS cử tuyển, TS người dân tộc, cùng với TS thi 3 chung. Các trường phải đưa ra tiêu chí để bảo đảm năng lực đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của mình".
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ GD ĐH đặc biệt lưu ý, chủ trương của Bộ GD-ĐT là khuyến khích các trường thực hiện đào tạo nhân lực cho huyện nghèo. Đối tượng của chính sách này không tính vào chỉ tiêu đào tạo mà các trường đã đăng ký. Vì vậy, đề nghị các trường cân đối các điều kiện để tiếp nhận. Hơn nữa, theo ông Bùi Anh Tuấn, đối tượng này không nhất thiết phải học ngay trong năm đầu mà còn qua một năm bổ sung kiến thức. Sau đó, các trường mới tùy theo năng lực để xếp ngành cho TS.
Để khắc phục những bất cập nói trên, ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến cáo các trường thực hiện đúng quy chế đào tạo và chính sách của Đảng, Nhà nước và lưu ý dành chỉ tiêu cho đối tượng TS huyện nghèo, không tính vào chỉ tiêu được giao. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các trường trong tiếp nhận hồ sơ của đối tượng ưu tiên này, theo dự kiến là có khoảng 9.000 TS". Cũng có ý kiến cho rằng, để chính sách nhân văn này được thực hiện hiệu quả, Bộ GD-ĐT cần có quy định cụ thể chứ không nên phó mặc cho các trường tự ra điều kiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.