Góc nhìn

Chính sách tiền tệ - chủ động và linh hoạt

Quỳnh Anh 09/07/2023 - 06:20

Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ giúp nước ta kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong tuần, phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (diễn ra vào ngày 6-7), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn…

Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp, định hướng về điều hành chính sách tiền tệ hết sức rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Việc kiên định và quyết liệt triển khai chủ trương này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hồi phục kinh tế và tạo đà tăng trưởng bền vững cho các năm tới.

Chủ động, linh hoạt giúp chúng ta phản ứng, ứng biến nhanh, điều chỉnh kịp thời về mọi mặt để dễ dàng thích nghi với bất cứ hoàn cảnh nào, dù có khó khăn đến mấy. Khi chủ động, linh hoạt, chúng ta sẽ nắm bắt được những cơ hội có lợi, cục diện tốt hơn hoặc giải quyết các vấn đề khó khăn, từ đó gặt hái thành công…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ gây ra, bảo đảm cung ứng vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế, thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao.

Cũng nhờ chủ động, linh hoạt, những áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Đến cuối năm 2022, tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. VND mất giá ở mức thấp (3,5%), mặt bằng lãi suất tăng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, trong đó lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Nước ta trở thành điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, những biến động trên thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi. Hiện, đất nước đã đi qua nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi chúng ta chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài. Doanh nghiệp - chủ thể đặc biệt quan trọng, nguồn lực góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước, tạo ra việc làm cho người lao động và nộp thuế cho ngân sách quốc gia đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn…

Trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết việc điều hành chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy, mới bảo đảm được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tiền tệ có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau như: Lạm phát, tốc độ tăng trưởng, việc làm… Chủ động trong chính sách tiền tệ, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời; phải chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ.

Yêu cầu đặt ra là phải linh hoạt có giải pháp đúng và tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa và kiên trì, bền bỉ thực hiện các nhiệm vụ đề ra; ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng tín dụng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế… Trong đó cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thanh khoản thị trường bảo đảm thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ giúp nước ta đạt được các mục tiêu đề ra, đó là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tiền tệ - chủ động và linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.