(HNM) - Nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế trong nước nói riêng có biến động mạnh trong suốt mấy năm gần đây, đòi hỏi chính sách tiền tệ phải thường xuyên thay đổi.
Để nhìn nhận, đánh giá đúng về chính sách tiền tệ, từ đó thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014-2015, ngày 30-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức tọa đàm "Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước 2011-2013: Những kết quả và thách thức".
Ảnh minh họa. |
Gần 3 năm qua, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn như lạm phát cao, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sức mua của thị trường giảm, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng... Đáng chú ý, có những thời điểm, mặt bằng lãi suất cho vay "leo thang" lên 22-24%/năm, VND mất giá, dự trữ ngoại hối mỏng, hiệu quả đầu tư công thấp, nhập siêu cao, khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng yếu khiến một số ngân hàng thương mại có nguy cơ rơi vào rủi ro. Trong khi đó, thị trường thế giới phức tạp khi một số nền kinh tế lớn trên thế giới bị khủng hoảng nợ, bất ổn chính trị xảy ra ở nhiều nơi... cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước. Những thực tế này đòi hỏi chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt. Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, trong gần 3 năm qua, chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc thiết lập sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp và duy trì ổn định trong 2 năm 2012-2013, xoay quanh mức 7%/năm. Chính sách tiền tệ đã được điều hành theo hướng dẫn dắt thị trường, linh hoạt, trong đó trọng tâm nhất là ổn định giá trị VND, nghĩa là gắn với vấn đề lạm phát, tỷ giá hối đoái, đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng. Cùng với việc kết hợp với các công cụ của chính sách tài khóa, như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay, chính sách tiền tệ đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong quá trình tái cơ cấu, phân bổ dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực ngành nghề cần ưu tiên.
Từ "đỉnh" 18%/năm với lãi suất huy động năm 2011, khiến lãi suất cho vay cao tới 23-25%/năm, đến nay, trần lãi suất huy động đã giảm về mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 9%/năm, những khoản vay thông thường cũng không còn phải chịu mức lãi suất cho vay "khủng", mà được điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn, quanh ngưỡng 10-12%/năm, khiến tỷ trọng những khoảng cho vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm hơn 70% tổng dư nợ cho vay trên toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá "nóng" như trước, mà đã trở về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tín dụng cho nền kinh tế tăng gần 7% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng chậm hơn so với giai đoạn trước đây, nhưng chất lượng tín dụng được cải thiện, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc điều hành lãi suất theo hướng dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với những diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Cùng với các chính sách cho lãi suất, tỷ giá và thị trường vàng không còn căng thẳng. Nếu như năm 2010 và 2011, NHNN liên tục phải điều chỉnh tăng tỷ giá để đến cuối năm 2011, tỷ giá tăng 10,01% so với cùng kỳ năm 2010 và đứng ở mức 20.828 VND/USD và trong hơn một năm trở lại đây, tỷ giá khá ổn định. Các trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ cũng bị thu hẹp theo hướng khách hàng chỉ được vay ngoại tệ nếu có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay, những trường hợp khác phải có sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN. Đến cuối năm 2012, giá USD mua vào tại các ngân hàng giảm 1% so với cuối năm trước, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các tổ chức kinh tế và cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho NHNN mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Với xu hướng này, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ không tăng quá 2% như cam kết của NHNN. Thị trường vàng cũng không còn bị "sốt", nhu cầu vàng trong dân đã bão hòa, nên khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới dần được thu hẹp.
Về chính sách tiền tệ trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực lớn trong ngắn hạn, nên đà tăng trưởng nhanh sẽ không thể trở lại trong 1-2 năm tới, nếu nóng vội muốn tăng trưởng nhanh, nguy cơ lạm phát cao có thể quay lại. Bởi vậy, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp (mức 7%/năm), tạo điều kiện duy trì lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN cũng sẽ kiến nghị Chính phủ về phát triển đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, bất động sản, mua bán nợ… nhằm giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.