(HNM) - Thời gian gần đây, ai đi qua xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ cũng ngạc nhiên khi chứng kiến ngôi nhà 2 tầng kiên cố đang thi công trên đất giao thầu trái phép thuộc thân đê sông Bùi, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.
Đáng quan tâm là ngay khi khởi công xây dựng, chính quyền địa phương đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng nhưng công trình vẫn tồn tại. Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc chính quyền xã làm ngơ cho xây nhà trên đất giao thầu trái phép khi cả 12/12 xóm đều có sai phạm?
Những ngôi nhà xây dựng trái phép trên thân đê sông Bùi, xã Tốt Động (Chương Mỹ). |
Buông lỏng quản lý
Ông Đoàn Đình Thắng, Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho biết, từ năm 1988 đến năm 1994, các xóm đã tự ý đấu thầu phần diện tích đất hoang hóa, bìa bắp, song đìa, thùng đào, hố đấu xen kẹp lấy kinh phí xây dựng công trình phúc lợi địa phương. Qua thống kê chưa đầy đủ ở Tốt Động đang tồn tại hơn 115 trường hợp vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều chưa được xử lý. Một số xóm đấu thầu cả diện tích đất nằm trong hành lang đê sông Bùi, trong đó vi phạm nghiêm trọng nhất là tại xóm Bến. Tính từ năm 1994 đến năm 2003, xóm Bến đã giao thầu dài hạn cho 42 hộ, với diện tích 10.343m2, thu về hơn 1 tỷ đồng. Bốn hộ được xóm giao thầu dài hạn trên chân đê tả Bùi dọc đường Anh Trỗi (từ thị trấn Chúc Sơn đi đường Hồ Chí Minh) và ngay trong hành lang sông Bùi, trong đó có hộ ông Hà Huy Thành (nay đã chuyển nhượng cho anh Hà Huy Cường, Hà Huy Thắng (xóm Giữa) và Nguyễn Văn Động (xóm Mới).
Lý giải việc giao đất trái thẩm quyền, ông Nguyễn Trọng Xuyển, trưởng xóm Bến cho rằng, chúng tôi giao đất cho các hộ dựa trên cơ sở nghị quyết đại hội chủ hộ xã viên và sự thống nhất của đại biểu dự hội nghị quân dân chính xóm năm 1994. Tới nay hầu hết các hộ đã xây nhà ở. Qua khảo sát thực tế, phóng viên còn được biết, nhiều hộ đã chuyển nhượng đất hoặc công trình nhà ở xây dựng trái phép không qua xác nhận của chính quyền địa phương.
Bế tắc biện pháp xử lý
Trao đổi với lãnh đạo xã Tốt Động về trường hợp hộ anh Hà Huy Cường, Hà Huy Thắng (xóm Giữa) và Nguyễn Văn Động (xóm Mới) đã và đang làm nhà kiên cố trên diện tích đất giao trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Chủ tịch UBND xã Tốt Động Đoàn Đình Thắng thừa nhận: Khi các hộ khởi công (năm 2009) UBND xã đã mời các chủ hộ và đại diện xóm Bến lên lập biên bản. UBND xã đã yêu cầu các hộ dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng, chờ xóm và xã xem xét, giải quyết. Ngoài ra, UBND xã yêu cầu xóm Bến có trách nhiệm trả lại tiền đã thu cho hộ ông Thành. Ngoài việc lập biên bản đình chỉ thi công, chính quyền xã Tốt Động không làm gì hơn nên từ tháng 5-2009 đến nay hai ngôi nhà kiên cố hộ anh Thắng và anh Động đã hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện tại hộ anh Cường tiếp tục xây dựng như thách thức dư luận.
"Chính quyền địa phương đều biết việc giao đất của các xóm, trong đó xóm Bến xảy ra vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Đê điều... nhưng do thời gian vi phạm quá lâu tồn tại kéo dài từ năm 1994 đến 2003 nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các xóm đều đã "tiêu" hết tiền thu từ đấu thầu đất trái phép nên không còn tiền hoàn trả các hộ; về phía xã cũng không còn quỹ đất công để cấp "đền" cho các hộ nên đành phải để họ sống chung với vi phạm, khi nào Nhà nước giải tỏa thì phải chấp hành" - Chủ tịch UBND xã Tốt Động Đoàn Đình Thắng giãi bày.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều hộ xây dựng nhà trái phép trên thân đê tả Bùi thời gian qua là do chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc trong việc kiểm tra, thiếu sâu sát, quyết liệt trong xử lý vi phạm. Đặc biệt, chưa có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng của thành phố, huyện và chính quyền các cấp trong việc xử lý sai phạm dẫn đến nhiều vi phạm không được xử lý hoặc xử lý "nửa vời" nên tính răn đe, giáo dục không cao.
Trả lời câu hỏi của PV Hànộimới về quan điểm của UBND huyện Chương Mỹ về những trường hợp vi phạm Luật Đê điều tại xã Tốt Động, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận những thông tin Báo Hànộimới phát hiện. Đối với những hộ xây nhà ở vi phạm hành lang đê tả Bùi, UBND huyện sẽ giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản, tập trung xử lý trả lại mặt bằng, bảo đảm an toàn cho đê và sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc để vi phạm nghiêm trọng xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.