Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền lúng túng, dân chưa đồng thuận

Hữu Hoài - Diệu Hương| 11/01/2013 07:10

(HNM) - Chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tạo thuận lợi cho hộ nông dân canh tác rất hợp lòng dân và được triển khai khá thành công ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tại huyện Ba Vì lại gặp nhiều trở ngại.

Hơn 10 năm trước, huyện Ba Vì chủ trương dồn đổi khoảng 8.000ha đất trồng lúa trong tổng số hơn 17.000ha đất nông nghiệp để thuận lợi trong canh tác. Tuy nhiên, do địa hình đồi gò, ruộng đất manh mún, các xã, thị trấn chưa xây dựng được phương án cụ thể nên toàn huyện chỉ dồn đổi được 1.200ha rồi dừng lại. Nhận thấy rõ những hạn chế như chưa gắn DĐĐT với quy hoạch sản xuất nên không tạo ra hiệu quả và thu nhập của người nông dân, huyện Ba Vì đã ban hành Nghị quyết DĐĐT, giai đoạn 2012-2016. Huyện cũng xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện đề án DĐĐT đến từng xã, thị trấn nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho nhân dân.


Theo kế hoạch, trong hai năm 2012 và 2013, huyện Ba Vì phấn đấu dồn đổi 4.300-4.400ha. Từ năm 2014-2016, tiếp tục thực hiện đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại. Để hoàn thành mục tiêu, huyện chỉ đạo hai xã Cổ Đô và Phú Cường làm điểm. Một số xã có tiềm năng xây dựng vùng sản xuất tập trung như Tây Đằng, Chu Minh, Minh Châu, Vạn Thắng từng bước triển khai sau đó nhân rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện mới dồn đổi được 394ha, trong đó các xã Cổ Đô 200ha, Tản Hồng 150ha, Minh Châu 44ha.

Tại xã điểm Cổ Đô, ngoài hai HTX Cổ Đô và Kiều Mộc đã hoàn thành DĐĐT, các HTX Vu Chu, Viên Châu công tác này đang rối như canh hẹ. Theo lãnh đạo địa phương, mặc dù đã xây dựng phương án và nhiều lần họp lấy ý kiến nhưng người dân chưa đồng thuận do chưa thống nhất với phương án DĐĐT của xã và đưa ra yêu sách phải xây dựng hạ tầng trước khi dồn đổi; sau khi dồn đổi mỗi hộ phải còn 3 thửa ruộng... Tương tự, xã Phú Cường cũng bộn bề khó khăn bởi việc quản lý ruộng đất, giao đất, cho thuê đất trước đây thực hiện chưa đúng quy định. Một bộ phận người dân thôn Phú Thịnh phản ứng và chưa thống nhất được phương án DĐĐT... Các xã Tây Đằng, Chu Minh, Minh Châu, Vạn Thắng cũng chung cảnh ngộ, khi tổ chức thông qua, lấy ý kiến chỉ khoảng 50% số hộ dân đồng ý do hoài nghi về hiệu quả của việc DĐĐT. Trong khi đó, cán bộ các xã chưa giải đáp được đầy đủ thắc mắc của người dân khiến cho quá trình triển khai của huyện chậm trễ.

Phó Chủ tịch xã Tòng Bạt Chu Bùi Thơm cho biết, nguyên nhân gặp khó khăn trong DĐĐT do các địa phương có nhiều loại đất, diện tích manh mún, có xa, có gần, ruộng tốt, ruộng xấu, bậc thang. Mặc dù xã Tòng Bạt vận động người dân tự dồn đổi nhưng số hộ thực hiện đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, địa phương này trung bình mỗi gia đình hiện vẫn còn từ 13-15 thửa ruộng.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, qua đánh giá công tác DĐĐT, các xã chủ yếu vận động nhân dân tự dồn đổi cho nhau mà không xây dựng phương án và triển khai theo hướng dẫn của huyện. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân còn hạn chế. Việc quản lý ruộng đất, giao đất, cho thuê đất ở một số địa phương bị buông lỏng, vi phạm sử dụng đất đai chưa được xử lý triệt để dẫn đến khó khăn trong công tác DĐĐT. Mặt khác, Ba Vì có nhiều xã miền núi, đồi gò, ruộng không bằng phẳng, thửa nhỏ, bậc thang nên việc dồn đổi để mỗi hộ còn từ 1 đến 2 thửa có diện tích lớn rất khó khả thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền lúng túng, dân chưa đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.