Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm

Hoàng Văn| 02/06/2014 06:35

(HNM) - Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên lập biên bản, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, song vi phạm hành lang an toàn sông Nhuệ không có dấu hiệu

Tuy nhiên, dòng sông đang ngày càng bị thu hẹp do sự lấn chiếm của người dân. Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên lập biên bản, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, song vi phạm không có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Người dân xây nhà, lấn chiếm sông Nhuệ.


Vì sao vi phạm vẫn tiếp diễn?

Đi dọc tuyến sông Nhuệ qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thường Tín… có đến hàng nghìn điểm vi phạm cũ và mới gặm nhấm dòng sông. Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ), hiện nay lòng sông đang bị bồi lắng, thu hẹp, bởi rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng, các công trình xây dựng trái phép của người dân. Chỉ tay vào dãy nhà lụp xụp mọc sát mép sông, đoạn chảy qua phố Thanh Bình, quận Hà Đông, bà Hạnh cho biết: "Chúng tôi đã lập biên bản không biết bao nhiêu lần, phối hợp với chính quyền sở tại cưỡng chế, giải tỏa xong, vài ngày sau công trình lại được xây dựng như cũ".

Theo thống kê của Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ, từ đầu năm 2013 đến tháng 5-2014, trên trục sông Nhuệ khu vực Hà Nội xảy ra 324 vụ vi phạm. Nhức nhối nhất vẫn là địa bàn quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và trong 2 năm trở lại đây, vi phạm đã phát sinh mạnh tại khu vực các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Các vi phạm chủ yếu là xây nhà cấp ba, cấp bốn, làm lều lán, nhà xưởng 69 trường hợp, với diện tích gần 5.000m2, còn lại là đổ vật liệu xây dựng xuống hành lang sông, trồng cây xanh, bãi đỗ xe… Thế nhưng, đến hết tháng 4-2014, cơ quan chức năng mới giải tỏa được 64 trường hợp, chủ yếu là những vi phạm nhỏ như trồng cây xanh, dựng lều, lán, đổ rác thải…; những vi phạm lớn như xây nhà ở, dựng xưởng sản xuất, bãi trông giữ xe không xử lý được. Có nhiều trường hợp, cơ quan quản lý lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý, không hiểu vì lý do gì công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Điển hình, ngày 14-3-2014, bà Dương Thị Dung, xã Tiền Phong (Thường Tín) tự ý đổ đất lấn chiếm 30m2 hành lang sông Nhuệ; gần đây nhất, ngày 8-4 tại khu vực phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, bà Trần Thị Hoa Mỹ đào móng nhà, đổ bê tông cốt thép trên nền đất trống thuộc hành lang sông Nhuệ không hề bị xử lý. Hay trên địa bàn giáp ranh hai xã Châu Can (Phú Xuyên) và Đông Lỗ (Ứng Hòa) trường hợp đổ đất, xẻ đê sông Nhuệ, nhưng chỉ bị cơ quan chức năng nhắc nhở...

Theo Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ, trên trục chính sông Nhuệ hiện còn tồn tại 7.891 vụ vi phạm. Nhiều vi phạm xảy ra từ lâu đã được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản đề nghị các công ty thủy lợi phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá, phân loại vi phạm để báo cáo UBND thành phố có biện pháp xử lý...

Ngoài những vi phạm nêu trên, hiện sông Nhuệ còn bị "bức tử" bởi nạn đổ rác thải, vật liệu xây dựng vô tội vạ xuống lòng sông. "Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, hiệu quả tiêu thoát nước của sông Nhuệ vào mùa mưa bão sẽ chậm hơn, việc tiêu úng ngập cho khu vực nội thành sẽ bị ảnh hưởng và có thể xảy ra tràn đê ở những đoạn xung yếu" - bà Hạnh nhấn mạnh.

Gắn trách nhiệm với địa phương

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên cho biết, để giải quyết tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 37, quy định rõ trách nhiệm của từng ban, ngành, chính quyền trong việc quản lý và khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt quyết định này phải gắn trách nhiệm của chính quyền các địa phương có dòng sông chảy qua, nếu để xảy ra nhiều vi phạm phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố. Trước mắt, cơ quan chức năng cần giải tỏa các vụ vi phạm xảy ra từ năm 2013 đến nay và các vụ vi phạm trực tiếp cản trở dòng chảy, giải tỏa các đăng chặn, vật cản trên dòng sông, sau đó giải tỏa vi phạm trên bờ kênh, mặt đê, từng bước giải tỏa các vụ tồn đọng từ nhiều năm trước.

Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ, hiện thành phố đã có văn bản chấp thuận cho đơn vị cải tạo lại trục chính dòng sông Nhuệ với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Song việc cải tạo, tu bổ chỉ được tiến hành từ đường Vành đai 4 đến hết địa phận Hà Nội (khoảng 30km); còn phía thượng lưu, từ Liên Mạc, quận Nam Từ Liêm đến hết địa phận huyện Thanh Trì, hai bên hành lang sông đã bị lấn chiếm hết, lòng sông bị thu hẹp rất khó để cải tạo, tu bổ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.