Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền cơ sở chưa làm đúng trách nhiệm

Ánh Dương| 08/09/2016 06:24

(HNM) - Dù không nằm trong vùng quy hoạch khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng nhưng một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn các xã Bắc Phú và Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) vẫn xây dựng lò gạch trái phép, vi phạm quy định quản lý đất đai, trật tự xây dựng... Điều đó cho thấy, chính quyền cơ sở chưa làm đúng

Cố tình vi phạm

Trên cơ sở được cơ quan chức năng ký hợp đồng nạo vét, cải tạo hồ Đồng Rắn ở thôn Thượng, xã Đức Hòa, Xí nghiệp Gạch Đức Hòa (nay là Công ty CP Gạch Đức Hòa) đã xin cấp phép thành lập, đi vào hoạt động, Công ty đã tận dụng đất dư thừa từ nạo vét hồ Đồng Rắn để sản xuất gạch. Tháng 3-2010, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về bãi bỏ lò gạch thủ công, Công ty đã được UBND các cấp cho phép sản xuất gạch lò nung theo công nghệ Bách Khoa. Đến tháng 2-2015, với lý do hệ thống lò nung đã xuống cấp, gây mất an toàn cho người lao động, Công ty CP Gạch Đức Hòa đã tự ý xây dựng mới lò gạch theo công nghệ lò vòng Hoffman: Gạch vào và ra theo hai hướng, công suất khoảng 4-6 vạn viên/ngày. Công ty CP Gạch Đức Hòa đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây lò nung có chiều cao 2,4m, dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc, 20 xe điện vận chuyển...

Các hạng mục phụ trợ của lò gạch theo công nghệ lò vòng Hoffman của gia đình anh Đào Văn Thanh.



Tương tự, trường hợp anh Đào Văn Thanh xây dựng mới một lò gạch công nghệ lò vòng Hoffman tại cánh đồng Trại Cá, thôn Phú Tàng, xã Bắc Phú với diện tích khoảng 20.000m2, gồm 1 lò gạch có chiều dài 113m, rộng 20m, tường cầu lò rộng 2,7m, cao 2,1m so mặt đất tự nhiên... Anh Thanh thừa nhận “không lập dự án xây dựng lò gạch, không được cấp phép xây dựng công trình, nhưng vẫn đầu tư xây lò sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng, nếu đi vào sản xuất, mỗi ngày sẽ có khoảng 5 vạn gạch ra lò...”.

Cùng xây dựng lò gạch không phép, còn có Hợp tác xã (HTX) Đại Thắng, đóng trên địa bàn thôn Phú Tàng, xã Bắc Phú, sản xuất mang tính nhỏ lẻ từ năm 2008. Năm 2012, HTX Đại Thắng chấp hành chủ trương phá dỡ lò gạch thủ công, chuyển đổi thành lò gạch úp vung theo công nghệ Bách Khoa của Công ty Đức Trung. Đến tháng 9-2015, cũng với lý do hệ thống lò nung xuống cấp, mất an toàn, HTX đã tự sửa chữa, nâng cấp, thay đổi theo công nghệ lò vòng Hoffman. Ông Trần Văn Đạo, Giám đốc HTX Đại Thắng cho biết: “HTX đã làm các thủ tục, hồ sơ để xin ý kiến cơ quan chức năng cho xây dựng lò gạch theo công nghệ Hoffman. Do chờ lâu chưa được trả lời, nên chúng tôi tự phá dỡ 1 lò nung để xây lò gạch công nghệ mới ở khu Đồi Gò, đồng trũng, thuộc địa bàn thôn Phú Tàng, cách xa khu dân cư và trường học khoảng 2.000m. Đất làm nguyên liệu sản xuất gạch chúng tôi khai thác tại xứ đồng Gồ Đỏ, Đầm Gạo, thuộc thôn Bắc Vọng, là vùng đất trũng không cấy lúa được, để hoang hóa nhiều năm...”. Ngoài ra, HTX Sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Đức Hạnh, do ông Nguyễn Đức Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc, cũng vi phạm xây lò gạch và các hạng mục không phép tại khu Dọc Dài, thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú.

Bao giờ xử lý dứt điểm
?

Đối với những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Đức Hòa, Bắc Phú, Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn đã phát hiện, lập các biên bản vi phạm từ năm 2015, nhưng các doanh nghiệp và cá nhân đều “không có ý kiến gì”, mà vẫn... đầu tư số vốn tới hàng chục tỷ đồng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016 (?). Trả lời phóng viên Báo Hànộimới: “Vì sao để cho vi phạm kéo dài trong thời gian nhiều tháng, nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn?”, ông Lê Minh Xuân - Chủ tịch UBND xã Bắc Phú thừa nhận: “Ngay khi phát hiện các chủ lò gạch thi công công trình, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ thi công". Nhưng lý giải vì sao việc "xử lý vi phạm xây dựng lò gạch không phép chưa sát sao” của ông Lê Minh Xuân lại khó có thể chấp nhận.

Mặc dù ngày 30-3-2016, UBND huyện Sóc Sơn có Công văn số 404/UBND-BTCD, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã Bắc Phú, Đức Hòa đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện việc tự tháo dỡ công trình vi phạm của các doanh nghiệp, cá nhân, đến hạn 10-4-2016 nếu các trường hợp vi phạm không tự tháo dỡ, Chủ tịch UBND các xã lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo UBND huyện, nhưng trên thực tế, việc tự tháo dỡ vi phạm không xảy ra. UBND các xã cũng chưa lập kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vi phạm (?). Như vậy có thể thấy rõ, chính quyền cơ sở chưa làm đúng trách nhiệm.

Được biết, trường hợp vi phạm của anh Đào Văn Thanh tại thôn Phú Tàng, xã Bắc Phú, sau nhiều lần kiểm tra, ra các văn bản, quyết định xử phạt..., đến ngày 29-8-2016, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế giải tỏa công trình lò gạch và lán xưởng, đồng thời xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn khẳng định: “3 trường hợp vi phạm còn lại, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi trường hợp 40 triệu đồng. Huyện cũng sẽ hoàn thiện các thủ tục, bố trí lực lượng tổ chức cưỡng chế giải tỏa dứt điểm lò gạch xây dựng trái phép trên địa bàn xã Bắc Phú và Đức Hòa trong tháng 9-2016”.

Nếu chính quyền sở tại xã Đức Hòa và Bắc Phú ngay từ đầu siết chặt công tác quản lý thì doanh nghiệp, cá nhân sẽ không thể cố tình vi phạm và các cơ quan công quyền sẽ không bị mất thời gian giải quyết vụ việc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền cơ sở chưa làm đúng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.