Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền buông lơi, dân cơi nới

Bài, ảnh: Văn Ngọc Thủy| 06/01/2012 07:59

(HNM) - “Dự án tuyến đường 2,5, đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1, qua địa bàn các xã Thịnh Liệt, Định Công, huyện Thanh Trì được lập từ trước năm 2000, nhưng đã bị


Nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại tổ 16, phường Định Công.

Điều khiến người dân bức xúc là, chính quyền địa phương không đưa ra được bất cứ tài liệu nào liên quan đến việc dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung; chưa tổ chức họp dân công bố công khai các quyết định thu hồi đất, phương án đền bù, nhưng lại nhanh chóng đo đạc, tiến hành giải phóng mặt bằng được 61% số hộ, dùng sức ép chính quyền thông báo tiếp tục giải phóng các hộ còn lại…". Đó là nội dung đơn của một số hộ dân tổ 16, phường Định Công, quận Hoàng Mai gửi đến Báo Hànộimới.

Ngày 1-10-2002, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6682/QĐ-UB, thu hồi 67.125m2 đất tại các xã Định Công, Thịnh Liệt huyện Thanh Trì; tạm giao cho Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội điều tra, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5, đoạn từ đầm Hồng ra quốc lộ 1 (Dự án đường 2,5). Căn cứ quyết định này, năm 2003, UBND xã Định Công đã tiến hành điều tra, thống kê, kê khai diện tích đất nông nghiệp, công trình kiến trúc, cây trồng trên diện tích đất bị thu hồi nằm trong mốc giới giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng tuyến đường 2,5. Tại thời điểm đó, tổ công tác đã có văn bản ghi nhận khu vực đất nông nghiệp thuộc thôn Hạ, xã Định Công (nay là tổ 16, phường Định Công) có một số người mua lại đất ruộng 5% của người dân địa phương, xây dựng nhà ở. Sau khi thành lập quận Hoàng Mai (năm 2004), dự án chưa tiếp tục triển khai. Đến ngày 6-4-2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ-UBND, thu hồi 67.125m2 đất thuộc các phường Định Công, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất & quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Hoàng Mai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án đường 2,5, đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1. Quyết định cũng nêu rõ, đây là toàn bộ diện tích đã giao cho Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội, nhưng chưa thực hiện công tác GPMB, trong đó có tới 51.333m2 thuộc địa bàn phường Định Công.

Thực hiện quyết định của thành phố, ngày 22-4-2010, UBND quận Hoàng Mai đã thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận, các phường Định Công, Thịnh Liệt để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đường 2,5. Tại phường Định Công, 153 hộ có đất ở và 154 hộ có đất nông nghiệp thuộc diện GPMB. Hiện tổ công tác đang hoàn thiện hồ sơ, chi trả tiền cho các hộ đã được phê duyệt phương án đền bù, bàn giao căn hộ tái định cư cho các hộ thuộc diện tái định cư, tiến hành rào các khu vực người dân đã bàn giao mặt bằng…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết: Trong tổng số 99 hộ đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích, có 77 hộ đã nhận tiền đền bù, khoảng 10 hộ đã xây dựng nhà ở, số còn lại ở khu vực khác. Các hộ này đều mua bán bằng giấy viết tay, xây nhà trên đất nông nghiệp khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền. Căn cứ vào biên bản điều tra năm 2003 và thực tế sử dụng đất, tổ công tác đã tiến hành phúc tra lại tài sản trên đất để lên phương án đền bù cho chính xác. Sau đó chính quyền địa phương đã thống kê danh sách, nhiều lần ra thông báo, yêu cầu các hộ đến trụ sở UBND phường bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện công tác GPMB. Lần thông báo gần đây nhất là
vào ngày 3-11-2011, UBND phường yêu cầu đến hết ngày 11-11-2011 hộ nào không đến ký hoàn thiện hồ sơ, mọi chính sách liên quan đến GPMB sẽ được quy về chủ cũ theo quy định. Song, các hộ dân vẫn không hợp tác với chính quyền. Đại diện người dân tổ 16, phường Định Công cũng thừa nhận, thời điểm mua đất xây nhà (năm 2000), họ đều biết đó là đất nông nghiệp, nhưng vì nhu cầu có nhà ở, nên vẫn mua và xây dựng, ăn, ở sinh hoạt ổn định, không thấy chính quyền đến thu thuế sử dụng đất. Nay dự án làm đường được triển khai, người dân khu vực không được công khai mốc giới, không biết đường làm đến đâu và tại sao trong cùng khu vực vẫn có hộ gia đình xây nhà cao tầng kiên cố? Nếu quy về chủ cũ, thì quá thiệt thòi cho những người đã mua đất…

Việc người dân mua, bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng giấy viết tay, xây nhà khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền là trái quy định. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, nếu thời điểm đó chính quyền phường Định Công không "lỏng tay" trong công tác quản lý trật tự xây dựng, thì những vi phạm nêu trên không thể trở thành "tồn tại lịch sử" như hiện nay. Bên cạnh việc áp dụng các quy định hiện hành để bảo đảm tiến độ đường 2,5 theo đúng quyết định của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền quận Hoàng Mai và phường Định Công cần xem xét, giải đáp thỏa đáng những thắc mắc và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền buông lơi, dân cơi nới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.