Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền bó tay?

Bài và ảnh: Nguyên Hà| 22/08/2013 07:13

(HNM) - Nhờ chuyển hướng sản xuất từ nông nghiệp sang nghề giặt vỏ bao tải và tái chế nhựa, nên nhiều hộ dân ở thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn có thu nhập ổn định, cao gấp nhiều lần so với công việc trước đây.

Những "núi" nguyên vật liệu được tập kết chờ tái chế thành hạt nhựa trên địa bàn xã Tiên Dược, Sóc Sơn.



Theo số liệu thu thập được trong quá trình tìm hiểu thực tế, hiện nay trên địa bàn thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược (Sóc Sơn) có khoảng 100 hộ gia đình làm nghề giặt vỏ bao tải ni lông và 14 hộ tái chế nhựa, thường xuyên hoạt động. Hầu hết các hộ sản xuất đều mang tính tự phát, không có cam kết, không có đề án bảo vệ môi trường. Một số hộ còn hoạt động không đúng với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc kinh doanh chưa đủ điều kiện theo quy định. Chính vì đa số các hộ tái chế nhựa không có ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và có biện pháp xử lý chất thải theo quy định nên trong quá trình sản xuất đã liên tục xả đủ các loại rác, khí thải độc hại, gây ô nhiễm thẳng ra khu vực dân cư, gây tác động xấu đến môi trường sống của người dân trong thôn. Cũng cần nói thêm, phần lớn các xưởng sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư nên những tiếng ồn lớn cùng với khí và chất thải chưa qua xử lý đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của những hộ liền kề. Một số người dân thôn Dược Hạ đã mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt kinh niên. Phản ánh với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hương, trú tại thôn Dược Hạ cho biết: Kinh hoàng nhất là chiều tối, quanh thôn, xóm dường như bị bao phủ một màn khói đen từ các xưởng sản xuất, khiến nhiều gia đình không dám mở cửa. Đã thế, về đêm khuya lại phải chịu đựng đủ những tiếng ồn "đinh tai nhức óc", khiến trẻ em không thể chú tâm học tập, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, mệt mỏi vô cùng. Chị Nguyễn Thị Duyên, người dân địa phương khác than thở: Vì không chịu đựng nổi môi trường ô nhiễm, gia đình đã treo biển bán nhà để đi nơi khác ở, nhưng chẳng ai ngó ngàng, nên mọi thành viên trong gia đình suốt ngày phải đeo khẩu trang, trừ khi đi ngủ...!

Thời gian qua, người dân thôn Dược Hạ đã nhiều lần phản ánh sự việc đến chính quyền và các cơ quan chức năng, nhưng mãi đến ngày 14-6-2012, UBND xã Tiên Dược mới có Quyết định số 321/QĐ-UBND, thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường của các hộ tái chế nhựa trên địa bàn thôn Dược Hạ. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của UBND xã Tiên Dược, ngày 18-10-2012, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn có Báo cáo số 756/BC-TN&MT kèm theo danh sách đề nghị xử phạt hành chính đối với 14 hộ vi phạm khoản 4, Điều 7, Nghị định 117 (ngày 31-11-2009) của Chính phủ. Ngày 23-10-2012, UBND huyện Sóc Sơn có Quyết định số 10015/QĐ-UBND, xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền (20 triệu đồng) với hộ ông Nguyễn Văn Chí và các hộ còn lại. Thế nhưng, có lẽ việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện chưa nghiêm, mới chỉ mang tính hình thức nên đến thời điểm này, nhiều hộ sản xuất vẫn chưa chấp hành, nộp tiền phạt và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Thậm chí, một vài trường hợp còn ngang nhiên tái diễn vi phạm, tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng trên cả đất nông nghiệp. Vậy mà khi trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược, ông Hải chỉ thờ ơ, tỏ thái độ bế tắc: "Hiện nay chính quyền không có cách xử lý vấn đề trên!".

Thiết nghĩ, với thái độ thiếu kiên quyết như vậy thì không biết đến bao giờ người dân thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn mới thoát khỏi tình trạng chung sống với môi trường ô nhiễm. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đề nghị UBND huyện Sóc Sơn nhanh chóng xử lý nghiêm những hộ sản xuất vi phạm Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược. Về lâu dài cần có giải pháp quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ hành nghề tái chế nhựa di dời ra xa khu vực dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền bó tay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.