(HNM) - Tại Việt Nam, xử lý rác thải điện tử hiện chủ yếu mới dừng ở công đoạn sơ chế, tái chế thủ công và phần lớn do tư nhân thực hiện.
Tái chế thủ công
Năm 2016, gần 50 triệu tấn rác thải điện tử trong đó có ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động đã bị vứt bỏ trên toàn thế giới. Năm 2017, con số này là khoảng 72 triệu tấn. Theo các nhà nghiên cứu, rác thải điện tử có thể gây nguy hiểm cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể giải phóng các chất độc như thủy ngân, chì hay asen… gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Một công đoạn xay nghiền rác thải điện tử. |
Gần đây, một nghiên cứu thuộc Trường Đại học Rice, bang Texas, Mỹ đã tìm được cách tái sử dụng rác thải điện tử bằng việc nghiền nát bảng mạch thành bụi nano. So với việc chôn lấp hay tái chế, biện pháp mới này được cho là kinh tế hơn nhiều. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng thành công trong việc biến gỗ - vật liệu có khả năng tự hủy - thành một chất dẫn điện để dùng cho các thiết bị điện tử, thay vì sử dụng các vật liệu dẫn điện dễ gây ô nhiễm môi trường. Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện chưa có một quy định riêng về xử lý nhưng rác thải điện tử vẫn được coi là chất thải gây hại. Tương tự một số quốc gia, ở Việt Nam, rác thải điện tử vẫn được biết đến như một nguồn lợi nhiều hơn là một nguồn thải có thể gây hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc tái chế hiện nay đa phần do tư nhân thực hiện, kể từ khâu thu gom, phân loại đến tháo dỡ và các hoạt động khác, với trang bị và công nghệ thủ công, không chú trọng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Việc tái chế chất thải hiện mới chỉ dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại tách nhựa, đồng, nhôm... và hầu như chỉ được thực hiện ở các cơ sở thu mua phế liệu. Đây chỉ là công đoạn sơ chế chứ chưa thể gọi là tái chế chất thải điện tử.
Xây dựng thành công quy trình xử lý
Tại Việt Nam, theo dự tính của các nhà khoa học Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, trong khoảng 10 đến 20 năm tới, lượng rác thải điện tử sẽ tiến kịp tốc độ xả thải chung của thế giới. Cách đây hơn 10 năm, một nhóm các nhà khoa học tại Viện đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải điện tử gia dụng”. Sau 13 năm, đề tài nghiên cứu đã thành công trong việc xây dựng được quy trình xử lý rác thải điện tử.
Thành viên nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đức Quảng cho biết, trước tiên, với công đoạn kiểm kê chất thải điện tử, các nhà khoa học đã xác định được công suất của hệ thống xử lý mà dự án sẽ triển khai cũng như mức độ đầu tư phù hợp để xử lý dòng chất thải điện tử này… Từ kết quả thống kê, đánh giá, phân tích và tính toán trên phần mềm, các nhà khoa học đã phát triển nghiên cứu từ quy mô phòng thí nghiệm. Rác thải khi thu gom, phân loại sẽ được cho vào máy nghiền, sau đó được pha chế với một dung dịch hóa chất để chuyển hóa từ thể rắn sang thể lỏng. Dung dịch thu được sẽ trải qua bước lọc bỏ cặn và tạp chất rồi tác dụng với một hiệu điện thế nhất định để cho ra sản phẩm cuối cùng.
Tiến sĩ Hà Vĩnh Hưng, một nhà khoa học của dự án cho biết, những thiết bị điện tử gia dụng hiện nay được cấu thành bởi hơn 1.000 vật chất khác nhau, từ đồng, sắt, nhựa cho đến các vật liệu quý như vàng, bạc, titan… Do đó, để thu hồi được các vật chất này dưới dạng tinh, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác nhau để tạo ra được từng công thức hóa học tương ứng cho mỗi sản phẩm vật chất thu được ở đầu ra. Tiến sĩ Hưng cho biết, một công đoạn như vậy cần phải tiến hành 10-20 nghiên cứu. Hiện tại, dây chuyền tháo dỡ chất thải điện tử để đưa đi tái chế, xay nghiền bản mạch đã hoàn thiện và có thể chuyển giao. Trong đó, loại bỏ các thành phần nguy hại, các bộ phận như pin, bóng đèn huỳnh quang đều được tháo bỏ ngay tại công đoạn phân loại.
Từ những thành công ban đầu, các nhà khoa học đã tiếp tục ứng dụng quy trình này trong thực tế với quy mô nhỏ. Theo Giáo sư Huỳnh Trung Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu: Nước ta hiện có khoảng 100 cơ sở thu mua và tái chế rác thải điện tử, tuy nhiên việc tái chế này đa phần chỉ dừng lại ở phạm vi thủ công. Còn những cơ sở áp dụng công nghệ cao một mặt còn gặp khó khăn trong việc đầu tư nhân lực, trang thiết bị, mặt khác còn thiếu sự đầu tư về khoa học và chuyển giao công nghệ. Để rác thải điện tử không còn là gánh nặng cho môi trường, chắc chắn cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. Nhà nước và các hiệp hội ngành phải kiểm soát, giám sát được dòng chất thải điện tử cùng với việc áp dụng các quy chuẩn về vật liệu, công nghệ và sản phẩm tái chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.