Trung tướng cảnh sát Thái Lan Santhan Chayanon ngày 27/5 cho biết Thái Lan đã triển khai 2.000 cảnh sát tại Bangkok để đảm bảo an ninh thủ đô.
Trung tướng cảnh sát Thái Lan Santhan Chayanon ngày 27/5 cho biết Thái Lan đã triển khai 2.000 cảnh sát tại Bangkok để đảm bảo an ninh thủ đô.
Lực lượng an ninh Thái bảo vệ bên ngoài tòa nhà Quốc hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quyết định này được thực hiện nhằm chuẩn bị cho kế hoạch khôi phục lại hoạt động kinh doanh tại thủ đô, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt biểu tình vừa qua của lực lượng "áo đỏ."
Khu vực được tăng cường an ninh gồm các khu thương mại Quảng trường Siam, Silom và Thong Lo. Tại đây, chính phủ sẽ lập những khu vực đặc biệt dành cho các chủ kinh doanh bị thiệt hại trong cuộc khủng hoảng vừa qua.
Cùng ngày, Trung tâm Dự báo Kinh doanh và Kinh tế thuộc Trường đại học Thương mại Thái Lan dự báo cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua có thể làm nền kinh tế Thái Lan thiệt hại khoảng 155 tỷ bath (4,761 tỷ USD).
Theo dự báo của trung tâm, GDP của Thái Lan trong cả năm 2010 có thể giảm 1,6% xuống còn khoảng 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo từ 6-7% mà trung tâm đưa ra trước đó.
Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng Thái Lan cần tiến hành cải cách chính trị và thay đổi cơ cấu xã hội sau cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua.
Ông nêu rõ mặc dù tình hình tại Thái Lan tạm lắng dịu và những người biểu tình đã trở về nhà, nhưng nước này vẫn đang phải đối mặt với thách thức đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài.
Theo ông Surin, Chính phủ Thái Lan cần tiến hành cải cách để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội. Ông Surin cho rằng nguyên nhân phía sau cuộc biểu tình là do sự mất cân bằng về phát triển kinh tế-xã hội, đây là “một bài học không chỉ đối với Thái Lan mà với tất cả các nước đang phát triển trong việc giải quyết bất bình đẳng xã hội.”
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva thừa nhận lộ trình hòa bình năm điểm về hòa giải dân tộc hoàn toàn không dễ dàng do vẫn còn tồn tại những cá nhân gây mâu thuẫn giữa các cộng đồng.
Thủ tướng Abhisit cũng cho rằng cần có quy chế cho việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tình trạng bất bình đẳng và bất công xã hội. Chính phủ mong muốn tất cả các bên hiểu rõ về tình hình chung, hiểu biết lẫn nhau, kiên nhẫn và hợp tác để cải thiện tình hình.
Liên quan đến cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ngày 27/5, Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic khẳng định ông Thaksin sẽ không bị dẫn độ hoặc bị đưa ra tòa nếu không có bằng chứng rõ ràng hay lệnh bắt giữ quốc tế.
Ông Djukanovic xác nhận Montenegro đã trao quyền công dân cho ông Thaksin vì ông này có kế hoạch đầu tư nhiều triệu USD vào ngành du lịch Montenegro. Tuy nhiên, ông Djukanovic cũng khẳng định "chúng tôi có cơ chế để điều chỉnh quyết định của mình" nếu cần thiết.
Trước đó, nhà chức trách Thái Lan đã cáo buộc ông Thaksin tội danh khủng bố do có vai trò trong các vụ biểu tình trên đường phố gây chết chóc ở Bangkok. Theo luật pháp Thái Lan, những cáo buộc trên có thể dẫn đến án tử hình./
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.