Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ Mỹ đóng cửa: Hệ lụy không chỉ là tiền

Vân An| 01/10/2013 18:27

(HNMO) – Lần đầu tiên trong vòng gần 18 năm qua, hôm nay, 1/10, chính phủ Mỹ chính thức đóng cửa sau khi hai viện của quốc hội không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách...

Năm ngoái, Mỹ đã từng “ngấp nghé” phải đóng cửa chính phủ nếu như Quốc hội không thông qua một thỏa thuận vào phút chót. Cuộc chiến ngân sách năm nay lại tiếp tục dấy lên từ đầu tháng 9 và người ta cũng đã hi vọng lại có một phép màu, nhưng lần này, viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa đã thành hiện thực.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong gần 18 năm qua. Lần cuối cùng việc này xảy ra cũng là dưới thời một vị tổng thống của Đảng Dân chủ - thời cựu Tổng thống Bill Clinton và tình trạng bế tắc đã kéo dài suốt 21 ngày.

Đối với hầu hết thế giới, việc đóng cửa chính phủ là một tin rất xấu bởi nó chỉ xảy ra như là kết quả của một cuộc cách mạng, cuộc xâm lược hay thiên tai. Ngay như Syria, giữa lúc cuộc nội chiến đang diễn ra, chính phủ vẫn trả các hóa đơn và tiền lương cho người lao động. Chính vì vậy, việc Mỹ - cường quốc số một thế giới - lâm vào tình cảnh này được cho là một điểm tối. Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã phải thốt lên: "Đó là một thông điệp nguy hiểm cho thế giới. Chúng ta nói với các nước khác rằng chúng ta tin rằng họ cần phải có kỷ luật nhất định. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể giữ cho ngân sách của chúng ta cũng như đất nước và các chức năng của chính phủ hoạt động".



Tất nhiên, việc đóng cửa chính phủ sẽ không xảy ra cùng một lúc nhưng chính quyền liên bang là ông chủ lớn nhất đất nước. Các nhân viên liên bang thuộc các khu vực nhạy cảm vẫn sẽ tiếp tục làm việc, trong khi những người được cho là không cần thiết - hơn 800.000 người - sẽ không chắc chắn có tiếp tục được làm việc hoặc được trả lương hay không. Nguy hiểm hơn, việc đóng cửa chính phủ sẽ khiến nước Mỹ mất 1 tỷ USD mỗi tuần - và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Brian Kessler, một nhà kinh tế của Moody Analytics cho biết, ảnh hưởng kinh tế có thể sẽ lớn hơn ít nhất 10 lần tổng số tiền lương mà những người lao động liên bang bị mất. Công ty của ông ước tính, việc đóng cửa chính phủ từ 3-4 tuần sẽ tiêu tốn một chi phí khổng lồ cho nền kinh tế: khoảng 55 tỷ USD. Goldman Sachs thì ước tính, việc đóng cửa chính phủ 3 tuần có thể lấy đi của Mỹ khoảng 0,9% GDP trong quý này.

Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế có lẽ không phải là cái giá đắt nhất mà nước Mỹ phải trả, cao hơn thế, đó là niềm tin của công chúng, của nhân dân. Các cuộc thăm dò cho thấy, hầu hết người Mỹ đổ lỗi cho những người của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội về sự đóng cửa chính phủ: 69% đồng ý với quan điểm rằng các quan chức được bầu của đảng này đã hành động như "đứa trẻ hư hỏng". Nhưng ngạc nhiên hơn, đảng Dân chủ nhận chung đánh giá khi 58% số người được hỏi đồng tình với quan điểm họ cũng “hành động như đứa trẻ hư hỏng”. Các cuộc thăm dò khác cũng cho thấy sự ủng hộ của dân chúng với Quốc hội ở mức thấp kỷ lục: 10%.

Để cứu vãn tình thế và cũng là để cứu vãn niềm tin, hôm nay, cả hai viện của Quốc hội lại tiếp tục họp và bỏ phiếu. Trong lúc hai viện vật lộn để tìm cách xóa bớt bất đồng, cả thế giới chỉ còn biết “nín thở” hi vọng sự khủng hoảng này của Mỹ sớm chấm dứt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Mỹ đóng cửa: Hệ lụy không chỉ là tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.