Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ Italia: Nguy cơ tan rã vì bất đồng

Quỳnh Dương| 14/07/2022 06:32

(HNM) - Chính phủ mới thành lập được hơn 1 năm của Italia lại đang đứng trước nguy cơ tan rã vì những bất đồng nội bộ khó hóa giải. Thủ tướng nước này Mario Draghi tuyên bố, ông sẽ từ chức nếu đảng Phong trào 5 Sao (M5S) rút khỏi liên minh cầm quyền. Nếu điều này xảy ra, Italia sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn với một quá trình thành lập chính phủ đầy khó khăn.

Thủ tướng Italia Mario Draghi (bên trái) gặp Tổng thống Sergio Mattarella để thảo luận về tương lai của Chính phủ.

Trước khả năng phải giải tán liên minh cầm quyền, mới đây, Thủ tướng Italia Mario Draghi đã gặp Tổng thống Sergio Mattarella để thảo luận về tương lai của Chính phủ. Hiện tại, M5S - một đảng lớn trong quốc hội - đang có những bất đồng lớn đối với chính sách của Thủ tướng Mario Draghi liên quan đến các vấn đề kinh tế chủ chốt và lập trường đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Ngày 11-7, các nghị sĩ của M5S đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để thể hiện lập trường thiếu tín nhiệm với Chính phủ của Thủ tướng M.Draghi.

Lãnh đạo M5S, ông Giuseppe Conte đã trao cho Thủ tướng M.Draghi một danh sách bao gồm 9 kiến nghị, trong đó có việc cắt giảm thuế lao động, bảo đảm mức lương tối thiểu, các khoản phúc lợi xã hội trong bối cảnh giá cả tăng vọt. Đây được xem như điều kiện để M5S tiếp tục ở lại trong liên minh cầm quyền. Thời hạn cho câu trả lời mà M5S đưa ra là cuối tháng 7 này. Nếu Thủ tướng M.Draghi không đáp ứng những kiến nghị kể trên, M5S sẽ rút khỏi chính phủ.

Như vậy, Italia sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn và có thể mất nhiều thời gian cho quá trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền. Hiện tại, chưa đảng phái nào được đánh giá có đủ uy tín để giành trên 50% số phiếu bầu để tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập. Trong khi đó, lập trường về chính sách điều hành đất nước giữa các đảng đang tồn tại khoảng cách không nhỏ. Tập hợp liên minh chính phủ càng có nhiều đảng phái sẽ càng dễ dẫn tới đổ vỡ.

Dư luận Italia lo ngại, những bất ổn trên chính trường sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch bình ổn và phục hồi nền kinh tế vốn đang trong tình trạng mong manh.

Cơ quan thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, tỷ lệ lạm phát trong tháng 6-2022 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hằng tháng cao nhất trong 36 năm qua. Giá năng lượng đã tăng 48,7% so với một năm trước, đẩy giá thực phẩm chế biến tăng 8,2%, dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân tăng 5,0%, vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4%. Tình trạng lạm phát chưa có điểm dừng đang làm đảo lộn nhiều kế hoạch phát triển của nước này và khiến triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm.

Với tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao thứ hai sau Hy Lạp và thâm hụt của Chính phủ cao nhất trong số nền kinh tế lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tình hình của Italia rất bấp bênh.

Theo các chuyên gia kinh tế, Italia đang trên con đường củng cố tài khóa. Mức thâm hụt ngân sách mục tiêu là 5,6% được dự báo cho năm nay, giảm so với mức 7,2% của năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh sẽ làm dấy lên nghi ngờ về thâm hụt ngân sách.

Được thành lập vào đầu năm 2021 sau rất nhiều cuộc đàm phán thất bại, Chính phủ ở Italia được đánh giá là một liên minh “đoàn kết dân tộc” với thành phần ghế trong nội các chủ yếu được phân bổ cho tất cả các chính đảng thuộc cả hai phe cánh tả lẫn cánh hữu.

Cụ thể, đảng M5S nắm giữ 4 ghế bộ trưởng, các đảng cánh hữu Liên đoàn, Tiến lên Italy (FI) và đảng Dân chủ (PD) trung tả mỗi đảng có 3 ghế. Hai đảng nhỏ khác là đảng Tự do và công bằng (Leu) và đảng Italia Viva (IV), mỗi đảng nắm giữ một ghế bộ trưởng. Dư luận Italia hy vọng, Thủ tướng M.Draghi và đảng M5S sớm đạt được đồng thuận vì những lợi ích chung để Italia tránh rơi vào cuộc khủng hoảng kép, bao gồm bất ổn về kinh tế và chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Italia: Nguy cơ tan rã vì bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.