Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của QH

H.Vân| 19/11/2013 07:58

(HNMO) – Ngày 19/11, Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6. Thủ tướng Chính phủ; 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ đăng đàn tại Quốc hội kỳ này.


Cùng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại kỳ này gồm: gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình.

Dự kiến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời về chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cải tạo cây trồng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo người trồng lúa có lãi... Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói về giải pháp nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trả lời việc quản lý các trang thông tin điện tử, nội dung thông tin điện tử… Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nói về trách nhiệm và biện pháp khắc phục hậu quả do vụ việc bị xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng đã thi hành án, xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm với các bản án... 


Theo thông lệ, đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo thêm về những ý kiến tập hợp được qua các vị Bộ trưởng trả lời cũng như những vấn đề mà các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm. Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp trả lời các chất vấn thêm của các đại biểu tại hội trường.

Kỳ này, phiên chất vấn có đổi mới là dành một buổi để Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 Quốc hội khóa XIII. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận.

Phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra trong 3 ngày: 19, 20, 21/11.

Cả nước đã huy động hơn 100.000 tỷ đồng để phục vụ xây dựng nông thôn mới

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Phó thủ tướng cho biết, trước và trong 3 kỳ họp trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đều có báo cáo trả lời về các vấn đề được yêu cầu.

Đến nay, các nội dung trong nghị quyết chất vấn của QH đã cơ bản được thực hiện nghiêm túc, từng bước đạt được kết quả quan trọng. Nhưng cũng có nhiều nội dung đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực và kiên trì thực hiện như: thực hiện lộ trình giá với hàng hóa thiết yếu, quản lý thủy điện, thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhà ở xã hội, quá tải bệnh viện, y đức, xử lý trật tự an toàn giao thông…

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, về cơ cấu ngành và tái cơ cấu sản phẩm, ngành nông nghiệp các địa phương đã rà soát, bổ sung các quy hoạch phù hợp với thị trường gắn với bảo vệ môi trường, phát huy lợi thế địa phương… Qua đó đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế cho phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường; tăng cường hợp tác liên kết, đảm bảo hài hòa lợi ích, xây dựng các vùng chuyên doanh quy mô lớn… Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đảm bảo an toàn sau quy hoạch; giúp người dân tiêu tụ lúa gạo, thủy sản.

Đặc biệt, phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực, đời sống người dân được cải thiện. Việc cung ứng giống, phân bón cũng dần đi vào ổn định. Mô hình này đang được nghiên cứu áp dụng với một số cây trồng chủ lực khác.

Về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, Chính phủ đã trình QH luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đang hoàn thiện để trình dự án Luật Thú y, rà soát, tăng cường các biện pháp quản lý giá, vật tư đầu vào cho nông nghiệp; xây dựng đề án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, giết mổ an toàn, hỗ trợ một số tỉnh trọng điểm xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm an toàn và đang tập huấn cho các địa phương. Đến nay, 61/63 tỉnh đã thành lập chi cục quản lý nông lâm thủy sản để cùng tham gia công tác này.

Về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã tích cực thực hiện chương trình này và đã rút kinh nghiệm. Trong năm qua, cả nước đã huy động hơn 100.000 tỷ đồng để phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, công tác quy hoạch, quản lý kế hoạch vẫn còn chưa tốt, tổn thất sau quy hoạch còn lớn, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn còn hạn chế, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, trách nhiệm của từng bộ, ngành chưa cụ thể… Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung khắc phục những yếu kém này.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 7,8%

Trên lĩnh vực văn hóa, cả nước đã tổ chức nhiều phong trào xây dựng văn hóa. Công tác quản lý, tổ chức nếp sống văn minh được chú trọng, được nhân dân hưởng ứng. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm được tăng cường, nhất là với các cơ sở tổ chức các chương trình văn hóa.

Về du lịch, Chính phủ đã tăng cường cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử… Tuy có nhiều khó khăn nhưng du lịch vẫn duy trì đà tăng trưởng, đã có khoảng 6,1 triệu lượt người tới Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Về phát triển thể dục thể thao, thể thao quần chúng có nhiều hình thức sôi động, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe, từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo vận động viên thành tích cao.

Về lao động, thương binh và xã hội, Chính phủ đã chú trọng đào tạo nghề cho mọi đối tượng, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác này, bước đầu tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề với những người bị thu hồi đất nông nghiệp, có nhiều chính sách hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động…

Về quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Chính phủ đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra với các cơ sở đưa người đi lao động, xử lý 8 đơn vị. Tại thị trường Hàn Quốc, đã có nhiều hoạt động thông tin trực tiếp tới hàng nghìn lao động, chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ, các phong tục văn hóa của nước sở tại cho người lao động…

Về thực hiện chính sách với người có công, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định chế độ, nâng mức hỗ trợ với người có công; đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ tồn đọng, trong đó chú trọng giải quyết với những người bị mất, không còn giấy tờ. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm chính sách với người có công cũng được tăng cường.

Về thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, Chính phủ đã có chương trình hành động với 18 nội dung trọng tâm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 7,8%. Nhưng chính sách vẫn còn dàn trải, chồng chéo, hiệu quả chưa cao; việc sửa đổi, bổ sung chính sách chưa kịp thời, gây khó khăn trong thực hiện. Để khắc phục, Chính phủ đã đổi mới công tác trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên, nâng mức hỗ trợ, đồng thời tăng các chính sách hỗ trợ về đào tạo, sản xuất, giúp người nghèo tự vươn lên thoát nghèo, giúp giảm nghèo bền vững.

Mở rộng các trang trại theo hình thức thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ đất

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về báo cáo này, tập trung vào việc đánh giá việc triển khai nghị quyết, phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và đề xuất các giải pháp để khắc phục vấn đề.

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành việc yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện nghị quyết, đây là khâu giám sát việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ và thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; đồng thời đánh giá cao việc thực hiện nghiêm túc nghị quyết Quốc hội của Chính phủ, tạo ra sự chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, còn một nội dung chưa được xem xét giải quyết, đó là việc tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào nghèo ở các vùng xây dựng thủy điện. Theo đại biểu Học, tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao nhưng đến nay, các chính sách cho đối tượng này vẫn chưa được giải quyết.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng hoan nghênh báo cáo của Chính phủ. Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, theo đại biểu Lịch, nông nghiệp có vị trí quyết định trong phát triển đất nước, tạo sự ổn định, bền vững nhưng đang đứng trước thách thức lớn, có nguy cơ chững lại. Chính sách của Đảng, Nhà nước những năm qua rất tập trung phát triển, nhưng nỗ lực đó chưa tương xứng với hiệu quả. Những trở ngại này là do chưa đưa công nghệ sinh học vào sản xuất, trong đó giống, thức ăn là khâu quyết định; hạn chế trong phương thức tổ chức sản xuất, chế biến nông sản.

Theo đại biểu Lịch, mô hình kinh tế hộ gia đình hiện nay không còn là thế mạnh nữa, mà cần mở rộng các trang trại theo hình thức thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ đất.

“Chúng ta nên khuyến khích việc này bằng chính sách thuế, nếu thuê thì được miễn thuế, còn tích tụ thì không được ủng hộ, làm sao để người dân làm thuê trên mảnh đất của mình nhưng vẫn được làm chủ mảnh đất”, đại biểu Lịch đề xuất.

Về chế biến nông sản, đời sống nông dân, theo đại biểu Lịch, chúng ta không thể cải thiện nếu không nâng được giá trị gia tăng của sản phẩm. Ông đề nghị, cần ưu đãi hoàn toàn cho những doanh nghiệp sản xuất, sử dụng 100% sản phẩm trong nước, đây là trách nhiệm về chính sách phát triển, bởi nếu không hình thành những cứ điểm sản xuất nông nghiệp thì nông dân không thể làm giàu.

Chung mối quan tâm, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chia sẻ với khó khăn của Chính phủ nhưng cũng nói rõ, không chấp nhận cách giải quyết tình thế trong việc xử lý việc thu gom lúa cho người nông dân khi vào vụ mùa. Ông muốn các giải pháp phải có thứ tự ưu tiên, không thể nêu chung chung, đồng thời làm sao để người nông dân trồng lúa phải có 30% lợi nhuận; xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ phục vụ tưới tiêu.

“Hiện nay bà con nông dân trăn trở nhất về vấn đề con giống. Ngành nông nghiệp của ta cũng được xem là có thế mạnh về nghiên cứu con giống nhưng khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng con giống chưa tốt, làm sao chúng ta phải có được con giống tạo ra hiệu quả trong quá trình sản xuất”, đại biểu Hoàng nói.

Liệu tình trạng ngập lụt có phải do xả lũ không?

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) quan tâm đến việc thu hồi các dự án bỏ hoang, trả lại đất cho người nông dân. Ông đề nghị tất cả các địa phương có dự án bỏ hoang thì kiên quyết thu hồi, chống lãng phí. Ngoài ra, đại biểu Đương cũng nêu về tình hình ngập lụt tại miền Trung hiện nay và đặt vấn đề, liệu tình trạng ngập lụt có phải do xả lũ không? Theo ông, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan không thể vì lợi ích nhỏ mà hi sinh lợi ích lớn của vùng hạ lưu. Ông đề nghị truy cứu trách nhiệm rất nặng với những trường hợp làm sai, làm trái.

Trả lời về việc ban hành chính sách di dân, tái định cư ở những vùng làm thủy điện, Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương đã tiến hành khảo sát di dân, tái định cư ở các công trình thủy điện và đang lập đề án chính sách, giải pháp ổn định đời sống cho dân, dự kiến trong tháng 12 tới sẽ nghiệm thu đề án, từ đó sẽ có các chính sách khắc phục khó khăn, xử lý tồn tại; đồng thời Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành việc sửa đổi chính sách liên quan đến công tác di dân, tái định cư với các công trình thủy lợi, thủy điện nói chung.

Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, những hạn chế, yếu kém trong báo cáo còn chung chung, chưa xác định được trách nhiệm cụ thể với những vấn đề còn yếu kém, đặc biệt là tình hình xuống cấp về đạo đức xã hội đang rất bức xúc, gây bức bình và bất an cho nhân dân.

Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, các sản phẩm văn hóa thông tin đồi trụy, kích động bạo lực bị thu hồi, xử lý hàng năm rất lớn. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đang được lập lại trật tự. Đây là công việc thường xuyên, phải được thực hiện nghiêm túc và phải kiên quyết xử lý hơn.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của sự xuống cấp này có một phần là do chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường nên không thể tránh được những trường hợp vụ lợi, chạy theo đồng tiền mà quên đi các giá trị nhân bản. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là có vấn đề trong nhận thức của chúng ta, chúng ta phải nhận thức rõ rằng văn hóa phải phục vụ cho phát triển, sự phát triển là vì lợi ích, nhân phẩm của con người. Ngoài ra, trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến văn hóa cũng còn nhiều văn bản bất cập, lạc hậu; việc thực thi kỷ cương không nghiêm, nói nhưng hành động chậm trễ, không làm. Trong những hạn chế này, Bộ có phần trách nhiệm và Bộ trưởng cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc hơn nghị quyết 52 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) quan tâm đến việc giải quyết nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong đó yêu cầu xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trả lời ý kiến đại biểu Đỗ Văn Đương và Nguyễn Thành Tâm. Bộ trưởng cho biết, liên quan đến dự án hoang hóa, cần phân biệt 2 loại: dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước mà không có tiền đầu tư thì được coi là dàn trải; còn các dự án không phải là đầu tư xây dựng cơ bản, được phê duyệt đầu tư nhưng chưa đầu tư thì là các dự án do địa phương cấp phép.

Nợ đọng xây dựng cơ bản còn khoảng 43.000 tỷ đồng

Về nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng cho biết, trong số nợ này có nợ trong kế hoạch nhà nước và đến nay còn khoảng 43.000 tỷ đồng, nhờ thực hiện những chế tài mạnh mẽ yêu cầu các cấp có thẩm quyền không được phép ký duyệt các dự án khi không cân đối được nguồn vốn và phải thẩm định kỹ dự án, ưu tiên thanh toán trước những dự án đã bàn giao. Để hạn chế nợ đọng, Bộ đã siết việc phân bổ vốn đầu tư; khởi công, phê duyệt các dự án mới; lồng ghép các dự án chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý chặt hơn nguồn vốn ODA. Cùng với Luật Đầu tư công nếu được thông qua, Bộ trưởng tin rằng, các giải pháp này chắc chắn sẽ mang lại tác động tốt cho xã hội.

Về việc xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan, Bộ trưởng cho biết, phục vụ cho việc giám sát tối cao về sử dụng trái phiếu Chính phủ của QH, Bộ đã có báo cáo gửi QH, trong đó có kèm báo cáo của các địa phương nhưng cũng thấy rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận thì cũng chung chung, chưa cụ thể.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân gây ra nợ đọng là do chúng ta đã quyết định công trình nhưng không căn cứ vào nguồn lực; không làm kế hoạch 5 năm mà làm hàng năm và ghi ngân sách Trung ương bố trí, khi cân đối không được thì thành dàn trải… Những vấn đề này đã diễn ra 10 năm, 20 năm và lâu hơn và chúng ta đang khắc phục, tuy nhiên cũng rất khó vì số công trình dở dang còn rất nhiều trong khi vốn rất ít, cần sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương.

Các đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) quan tâm đến các chính sách dành cho đối tượng chính sách, nhiễm chất độc da cam, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo các đại biểu, nhiều trường hợp chưa được giải quyết kịp thời, chủ yếu do vướng mắc vì thiếu văn bản hướng dẫn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn các quy định về xác định dị dạng, dị tật và đang hoàn tất các quy định này.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc ban hành các danh mục bệnh tật này vượt quá tầm của ngành y tế nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan thành lập Hội đồng khoa học để ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến chất độc hóa học. Muốn xác định chính xác, phải có dải băng chất hóa học mà máy bay Mỹ đã rải, xác định được vùng có nhiễm độc cao, xác định hàm lượng chất độc hóa học trong đất… và việc này không dễ. Danh mục 17 bệnh được Bộ đưa ra là một sự nỗ lực, tốt nhất có thể và hi vọng sẽ giải quyết được

Vụ việc thẩm mỹ Cát Tường là sự cảnh tỉnh với toàn bộ ngành Y tế

Về vấn đề y đức xuống cấp, trong đó có vụ việc liên quan đến thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng cho biết, dù là nguyên nhân chủ quan, khách quan, trực tiếp hay gián tiếp thì Bộ Y tế đều có phần trách nhiệm. Vụ Cát Tường là đỉnh điểm của mất nhân tính con người, không chỉ là về đạo đức ngành y.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của sự xuống cấp y đức là bản thân những con người đó không rèn luyện chính mình; cơ chế thị trường có những tác động tiêu cực là khiến một bộ phận mong muốn lợi nhuận, kiếm được nhiều tiền bất chấp khả năng; bệnh viện công lập quá tải nên thái độ, trách nhiệm của y bác sĩ không đáp ứng được yêu cầu; người dân tin vào quảng cáo và tự đến những nơi không có đầy đủ cơ sở vật chất thực hiện các dịch vụ y tế… Bộ trưởng khẳng định, vụ việc thẩm mỹ Cát Tường là sự cảnh tỉnh với toàn bộ ngành Y tế phải xốc lại y đức, vượt qua khó khăn, quyết tâm sửa chữa.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, sắp tới, Bộ sẽ ban hành văn bản rút giấy phép hành nghề của cả bệnh viện tư và công; ban hành thông tư quy định đạo đức hành nghề với đội ngũ y bác sĩ; thành lập Đường dây nóng để người dân phát hiện, phản ánh trực tiếp các vụ việc tiêu cực của ngành, cả thái độ y bác sĩ, sự giải quyết tắc trách của các y bác sĩ, qua đó sẽ

“Tôi mong các đại biểu và cử tri có cái nhìn khoan dung và toàn diện hơn, bởi mỗi năm có tới 121 triệu lượt người khám bệnh qua BHYT, chưa tinh dịch vụ, nên chắc chắn có tỷ lệ nhất định tai biến, có những cán bộ y tế không đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn. Sắp tới đây chúng tôi sẽ có sự đột phá trong đào tạo chuyên môn, chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Chiều nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát đăng đàn

Khép lại phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo thực hiện kết quả chất vấn của Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và hứa sẽ tiếp tục xử lý đồng bộ hơn các tồn tại trong thời gian tới.

Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách pháp luật kịp thời với sự chỉ đạo, điều hành; cần có giải pháp áp dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; nghiêm túc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý cả hành chính và hình sự những cá nhân có trách nhiệm gây hậu quả cho xã hội; đề cao đạo đức xã hội, trong đó đề cao tinh thần trách nhiệm của công chức trước Đảng, Quốc hội, nhân dân.

Về các vấn đề cụ thể như quy trình xả lũ, tái định cư vùng thủy điện…, Phó thủ tướng cho biết, các ngành chức năng của Chính phủ sẽ xử lý sớm và có báo cáo trước Quốc hội.

Chiều nay, Quốc hội chuyển sang nội dung chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ. Đăng đàn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của QH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.