Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến, những người cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã buộc người Pháp phải ký hiệp định đình chiến và rút quân, công nhận nước Việt Nam độc lập. Nhưng độc lập không trọn vẹn - Hoa Kỳ, nước cung cấp tới 90% phương tiện chiến tranh cho cuộc chiến Đông Dương của người Pháp và là một trong những nước tham gia Hội nghị Giơnevơ, đã đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở miền Nam Việt Nam, phá bỏ cam kết thực hiện tổng tuyển cử hai miền Việt Nam vào năm 1956 theo Hiệp định.
Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến, những người cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã buộc người Pháp phải ký hiệp định đình chiến và rút quân, công nhận nước Việt Nam độc lập. Nhưng độc lập không trọn vẹn - Hoa Kỳ, nước cung cấp tới 90% phương tiện chiến tranh cho cuộc chiến Đông Dương của người Pháp và là một trong những nước tham gia Hội nghị Giơnevơ, đã đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền ở miền Nam Việt Nam, phá bỏ cam kết thực hiện tổng tuyển cử hai miền Việt Nam vào năm 1956 theo Hiệp định.
Tổng thống Mỹ lúc đó là Aixenhao quyết định can thiệp vào Nam Việt Nam bằng việc gửi mấy ngàn cố vấn quân sự sang giúp chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1963, khi lên cầm quyền thay Aixenhao, Tổng thống Kennơđi đã đưa số cố vấn lên 16 ngàn người. Tháng 11-1963, Ngô Đình Diệm bị các tướng lĩnh dưới quyền, được sự hỗ trợ của Mỹ, đảo chính và giết chết. Ba tuần sau đó, Tổng thống Kennơđi cũng bị ám sát tại Mỹ. Giônxơn lên thay nhưng chính sách chống cộng ở Việt Nam không thay đổi. Ngược lại, nó được thúc đẩy mạnh hơn. Ngày 7-8-1964 những toán lính Mỹ đầu tiên được đưa tới Nam Việt Nam, các căn cứ quân sự, trước hết là các sân bay được cấp tốc xây dựng. Tháng 2-1965, hai sân bay của Mỹ ở Quy Nhơn và Plâycu bị tấn công, 3 lính Mỹ bị thương. Để bảo vệ các sân bay, căn cứ quân sự, ngày 8-3-1965 (đối với người Việt Nam chúng ta đó là một ngày lễ được trân trọng - Ngày quốc tế phụ nữ), 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ với 3.500 lính tinh nhuệ, chính thức đổ bộ vào cảng Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Nam Việt Nam. Cũng tháng 3-1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964 do Mỹ dựng nên để ném bom miền Bắc, Mỹ bắt đầu chiến dịch “Sấm rền” dùng không quân đánh phá các cơ sở quân sự, kinh tế, giao thông của miền Bắc. Trong 3 năm chiến dịch “Sấm rền”, máy bay Mỹ đã ném xuống miền Bắc 634 nghìn tấn bom, nhiều hơn tổng số bom đạn Mỹ sử dụng ở chiến trường châu Âu và Thái Bình Dương trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng chỉ hai tuần sau khi chiến dịch “Sấm rền” bắt đầu, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam, tướng Oétmolen nhận thấy chỉ ném bom miền Bắc sẽ không giải quyết được cuộc chiến như các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ suy tính, mà cần đưa quân trực tiếp tham gia chiến đấu ở Nam Việt Nam. Và từ tháng 1 đến tháng 12-1965, quân Mỹ đã tăng từ 22 ngàn lên 186 ngàn. 4 năm sau, mùa hè năm 1969, tổng số quân Mỹ ở Nam Việt Nam đã lên hơn nửa triệu, chưa tính quân của chính quyền Sài Gòn và một số nước chư hầu khác. Tổng cộng đã có 2,5 triệu lính Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp, tham chiến ở Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh. Đáp lại, ngày 9-8-1965, một trung đoàn bộ đội miền Bắc với 1.500 quân, đã tấn công căn cứ Chu Lai. Đầu năm 1966, những cuộc đụng độ cấp sư đoàn đã xảy ra giữa hai bên. Năm 1966 đã có 100 ngàn thanh niên miền Bắc gia nhập quân đội, nhiều gấp 10 lần năm 1964. Năm 1966, theo cách nói của người Mỹ, Nam Việt Nam đã trở thành một nấm chôn khổng lồ đối với lính Mỹ.
Trong những năm can thiệp quân sự vào Nam Việt Nam, quân Mỹ đã tiến hành chừng hai triệu cuộc hành quân tìm và diệt; ném xuống miền Nam 1 triệu tấn bom, xuống miền Bắc 2 triệu tấn. Tính ra trong thời gian đó mỗi ngày quân Mỹ tiến hành 700 cuộc hành binh, ném xuống lãnh thổ Việt Nam 1.000 tấn bom. Đó là mỗi ngày. Trong suốt gần 10 năm trời liên tục !
Năm 1967 quy mô cuộc chiến rộng hơn, ác liệt hơn với số lượng những cuộc hành quân nhiều nhất, những chiến dịch lớn nhất do chính quân Mỹ thực hiện. Mở đầu là cuộc hành quân Serapôn lên Tây Nguyên, mở màn vào ngày 8-1-1967. Đó là một cuộc tấn công vào khu vực được gọi là Tam giác thép, cách Sài Gòn 80km. Ba sư đoàn bộ binh Mỹ với ba vạn quân tham gia chiến dịch. Không tìm thấy đối thủ, quân Mỹ đã dùng xe ủi san phẳng thị trấn Bến Súc làm 6.000 thường dân mất nhà ở. Nói chung các cuộc hành quân tìm diệt của quân Mỹ rất ít hiệu quả. Chỉ chừng 1% cuộc càn là tìm ra manh mối đối phương. Nhưng đối phương không chỉ lẩn trốn. Trong cuộc hành quân Gianxơn Xiti được tiến hành ngay sau đó, Mỹ đã bắn vào những khu vực nghi đối phương cố thủ 360 ngàn viên đạn trái phá, tính ra mỗi chiến binh Bắc Việt phải hứng chịu 100 quả. Trong cuộc chiến lớn và dữ dội này, đối phương, tức quân giải phóng đã không né tránh. Họ đã chủ động đợi trực thăng Mỹ đổ quân xuống và tấn công trước. Suốt 4 tháng liền, từ tháng 2 tới tháng 5-1967, đối phương đã xung trận, đánh giáp lá cà với lính thủy đánh bộ Mỹ và tỏ ra thiện chiến không kém. Trận Đắc Tô sau đó, vào tháng 11-1967 cũng vậy, quân giải phóng cũng tấn công trước.
Trước khi sang Việt Nam tham chiến lính Mỹ được huấn luyện rất kỹ, kể cả thực hành chiến đấu trên sa bàn dựng trên đất Mỹ phỏng theo mô hình thực địa nông thôn Nam Việt Nam với những đặc thù trong chiến tranh du kích ở đây. Có hai điều mỗi người lính Mỹ được nhắc nhở cần thực hiện đúng. Một là cách sử dụng thuốc đánh răng sao cho có hiệu quả nhất, vừa bảo vệ tốt răng miệng, vừa không vấy bẩn, không làm hỏng quân trang và hàm răng sẽ được bảo vệ chắc khỏe hơn 70% nhờ quân đội Mỹ. Hai là nhận dạng Charlie (Chali). Các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược Mỹ hiểu rằng trong cách mạng giành lại độc lập dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp giữ chủ quyền đất nước những người cộng sản Việt Nam là những người đi tiên phong, những người thực sự vì dân tộc. Nhân dân và thế giới biết đến họ qua danh tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua tên gọi Việt Minh. Vì vậy, khi nói đến những người cộng sản không thể dùng danh từ Việt Minh, mà phải dùng một danh từ khác khinh miệt và đe dọa. Thuật ngữ Việt cộng cộng sản Việt Nam - ra đời từ đó. Nhưng tại sao Việt cộng - VC (đọc là vixi) lại là Charlie ? Charlie lấy từ thuật ngữ Victory Charlie trong hệ mật ngữ của quân đội Mỹ. Hai chữ cái đầu cũng là VC, rất thuận tiện, dễ hiểu đối với lính Mỹ. Chali - Vixi được nhận biết như thế nào ? Có cả một bộ phim dành riêng cho quân đội Mỹ. Đó là những người đi dép cao su, một loại dép làm bằng lốp ô tô cũ, có quai từ săm ô tô cắt ra. Đó là những người mặc những bộ đồ đen như người nông dân của họ nên rất khó phân biệt đâu là dân thường, đâu là Chali. Vũ khí của họ có nhiều loại, thường là thô sơ, nhưng vũ khí chính là tiểu liên AK 47 do Liên Xô sản xuất. Đây là loại súng bộ binh vô cùng lợi hại được du kích trên thế giới ưa dùng. Nó có một nhược điểm là tiếng nổ dễ phân biệt. Nhưng trong hàng ngàn cây số rừng già nhiệt đới, nhận cho ra nơi phát tiếng nổ hoàn toàn không dễ dàng. Và cuối cùng, cần hết sức thận trọng và tỉnh táo, Chali-Vixi là những chiến binh hết sức kiên cường và tinh nhuệ.
Trong cuộc chiến tranh này, theo tính toán của các nhà quân sự Mỹ và phương Tây, 2 triệu người Việt Nam đã bị giết; 5 triệu người bị thương. Họ không nói rõ trong đó bao nhiêu phần trăm là dân thường, bao nhiêu phần trăm là lính. Chỉ biết, như trên đã nói, chỉ khoảng 1% các cuộc hành quân tìm diệt do quân Mỹ tiến hành là tìm thấy đối phương. Và vì thế, nhiều lúc, để trả thù, quân Mỹ đã tàn sát dân thường hết sức dã man - trong một đêm hơn 400 người dân Mỹ Lai, chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em đã bị một trung đội thám báo Mỹ sát hại. Hay như trong trận chiến giành giật cố đô Huế tết Mậu Thân 1968, bom đạn Mỹ đã phá hủy 10 nghìn trong số 17 nghìn ngôi nhà cổ của kinh thành; làm 15 ngàn thường dân thiệt mạng; hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Đó là chưa kể trong suốt cuộc chiến, khoảng 1,5 triệu gia súc lớn bị giết hại hoặc bị thịt để làm, ví dụ, món bít tết cho lính Mỹ và 1/3 diện tích rừng bị hủy diệt bởi hóa chất, bom na pan và các loại vũ khí khác... Cuối năm 1969, năm tổng số quân Mỹ sang Việt Nam nhiều nhất - 543 nghìn, Chính phủ Mỹ bắt đầu nhận thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để giành thắng lợi nên chuyển sang thi hành chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”. Họ rút dần quân về nước. Từ hơn nửa triệu năm 1969, sang năm 1970 còn 250 nghìn. Năm 1971 còn 156 nghìn và tới cuối 1972 còn 24.200 quân. Trước khi rút hoàn toàn, quân đội Mỹ quyết tâm tiêu diệt những căn cứ của VC, tạo điều kiện cho quân đội Nam Việt Nam có thể tự bảo vệ. Chiến dịch Phượng Hoàng được thực hiện khẩn cấp với mục đích đó. Kết quả của chiến dịch đó thu được, cũng là kết quả bước đầu của “Việt Nam hóa chiến tranh” do Mỹ tiến hành là 20 nghìn người Việt Nam bị sát hại.
HNM (Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.