(HNM) - Trời Tuy Hòa xanh cao vút không một gợn mây. Thành phố thưa người. Các cô gái đi bít tất, trùm khăn kín mặt. Những chiếc xe taxi trú dưới bóng cây chờ khách. Nóng nhưng không khí thoáng đãng, dễ thở, không ngột ngạt.
Một góc thành phố Tuy Hòa hôm nay. |
Trên đỉnh núi Nhạn, ngọn núi cao hơn mặt nước biển chừng 60 mét như biểu tượng của thành phố và cũng là điểm nhấn địa lý. Từ đây có thể bao quát toàn bộ thành phố nhỏ xinh, nhìn con sông Đà Rằng uốn quanh chảy ra biển. Có hai cô gái chuẩn bị làm đám cưới, chụp ảnh ngoại cảnh làm tôi nhớ đến câu ca dao:
Đất Hòa Đa đen mà sinh bông trắng
Gái Tuy Hòa rang nắng cũng xinh
40 năm trước trên đỉnh tháp Chăm cao 23,5m của núi Nhạn, có một người con Hà Nội bất chấp hiểm nguy đã cắm ngọn cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam vào sáng ngày 1-4-1975 như một khẳng định thành phố này đã được giải phóng. Cách tháp không xa là tháp tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì mảnh đất Phú Yên. Những hàng tên các anh khắc trên bia đá khiến tôi bùi ngùi. Các anh đều
rất trẻ, quê Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định… Buổi trưa thật tĩnh lặng, tôi thắp nén hương cho những người con ưu tú mà rưng rưng.
Ông Lưu Công Thục hiện là Trưởng ban Tuyên huấn Hội CCB Phú Yên, quê ở Giao Thủy, Nam Định kể: "Tháng 3, khi tiếng sấm Tây Nguyên bắt đầu từ Buôn Ma Thuột, địch phản công hòng chiếm lại vị trí chiến lược này, nhưng thất bại buộc phải rút chạy theo đường 7, gần đến thị xã Tuy Hòa, chúng vượt sông Ba sang đường 5. Và tại đây đã diễn ra trận đánh ác liệt, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự ví trận đường 5 giống như trận Bạch Đằng năm xưa trên cạn vì tiêu diệt được lực lượng này không chỉ tiêu hao sinh lực địch mà còn là đòn tâm lý gây hoảng loạn cho quân đội chính quyền Sài Gòn". Không có thắng lợi nào không trả bằng máu, hàng nghìn lính của chế độ Sài Gòn đầu hàng nhưng rất nhiều bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Phú Yên nằm xuống mãi mãi.
Tôi đến Tuy Hòa lần đầu cách đây đã nhiều năm, khi đó còn là thị xã yên ả. Và tôi lại đến lúc nó trở thành thành phố nhưng vẫn giữ nguyên một Tuy Hòa thật thà, chân chất như câu ca dao "ăn mặn nói ngay" của xứ này:
Ai ơi đã quyết thì hành
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi
Dân Phú Yên nói chung, thành phố Tuy Hòa nói riêng là dân cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, người dân Phú Yên trung kiên gùi gạo, muối lên cung cấp cho du kích Tây Nguyên đánh Pháp.
Nước sông Ba chảy qua Đà Rằng
Không ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên
Tôi bước từng bước chậm trên con đường thoáng đãng của thành phố mà mỗi phố là một loài cây như muốn tìm lại những bước chân của luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc ở thị xã này trong hơn 5 năm. Sau hai lần tổ chức giải cứu vị luật sư yêu nước bất thành, lần thứ ba mới thành công. Nhờ một anh xe ôm, tôi trở lại Bình Kiến, xã ngoại thành dưới chân núi Chóp Chài của thành phố Tuy Hòa. Chính tại xã này, ngày 29-10-1961 theo ám hiệu của anh liên lạc, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đáp lại khớp với tổ chức quy định, ông nhanh chóng giấu chiếc xe đạp theo anh dẫn đường men sát chân núi Chóp Chài vào con đường bí mật. Rồi một đơn vị chờ sẵn đưa ông về chiến khu và sau đó không lâu, ông trở thành Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lớp trẻ ít người nhớ, nhưng nhiều người cao tuổi ở Bình Kiến thì không quên và họ tự hào vì đã làm nên sự kiện lịch sử đó. Xưa Bình Kiến nghèo vì chỉ trông vào nông nghiệp nhưng hôm nay Bình Kiến có thêm nhiều nghề mới, từ trồng rau màu, nấm, đến hoa, cây cảnh. Tết năm 2014, có hộ trồng mai cảnh thu nhập trên 700 triệu đồng, có hộ trồng quất thu lãi 150 triệu đồng... Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, các trục đường liên thôn ở Bình Kiến đã bê tông hóa và xã hoàn thành được 19/19 tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của Tuy Hòa. Đó là sự chuyển từ ý chí cách mạng thành ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu thật đáng trân trọng.
Sau giải phóng thị xã Tuy Hòa ngày 1-4-1975, anh lính Lưu Công Thục được lệnh ở lại bảo vệ thị xã. Rồi anh chàng to cao, đẹp trai, bén duyên với một cô gái nhỏ nhắn xinh xắn, làm nghề may và Tuy Hòa trở thành quê hương. Lưu Công Thục được cử đi học sĩ quan, khi về hưu ông mang quân hàm đại tá. Ông Thục nhớ lại: "Sau giải phóng, thị xã khi đó bé nhỏ chỉ có trục chính là đường Trần Hưng Đạo, khu vực sân vận động Lê Trung Kiên hiện nay vẫn còn là cánh đồng lúa. Dân trong thị xã sống bằng nghề trồng lúa và đi biển. Đói thì không đói vì vùng đất này là vựa lúa lớn nhất Nam Trung Bộ nhờ hệ thống thủy lợi Đồng Cam". Nghe ông nói tôi hình dung lại con đường 26 từ Buôn Ma Thuột về Tuy Hòa, bắt đầu từ Nhà máy thủy điện Sông Hinh qua huyện Tây Hòa đến gần thành phố, mênh mông lúa chín vàng, còn bên kênh kè đá ăm ắp nước chảy lững lờ.
Sau giải phóng, Phú Yên sáp nhập với Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, tất nhiên tất cả mọi thứ dành cho thành phố Nha Trang và Tuy Hòa lại vẫn là một thị xã nhỏ. Không nghèo nhưng Tuy Hòa chẳng có cơ hội phát triển vì dân kiếm sống bằng hai nghề chính: Đi biển và làm nông nghiệp. Năm 1989, tỉnh Phú Yên tái lập thì Tuy Hòa trở thành tỉnh lỵ và từ đây mới có nhiều cơ hội thay đổi để hội đủ điều kiện trở thành thành phố Tuy Hòa. Anh lái xe taxi Trần Văn Quang bất ngờ chia sẻ với tôi: "Bây giờ nói đến cá ngừ người ta hay nói đến đoàn tàu câu cá ngừ Bình Định, Khánh Hòa nhưng cái nôi của cá ngừ chính là Tuy Hòa quê tôi". Nửa tin, nửa ngờ, tôi bảo anh chở ra bến cá. Mặt trời đã ngả sang tây nhưng bến cá Phường 6 vẫn lác đác có thuyền cập bến. Một bà buôn cá nói giọng khá nặng lại kèm theo phương ngữ, ngẫm một lúc tôi mới hiểu "các thuyền này đánh bắt gần bờ, có cá là ghé bến bán". Hỏi chuyện ngư dân Nguyễn Văn Chính về chuyện cá ngừ, ông Chính cho biết, trước năm 1975, dân đi biển vẫn đánh được cá bò gù (cá ngừ) nhưng bà con quanh vùng ít ăn vì không ngon như các loại cá khác, bán lại khó và có khi dân mua về nuôi heo. Thế nhưng từ khi thương nhân Đài Loan, Nhật Bản phát hiện cá ngừ ở vùng biển này, họ liền đặt trạm thu mua thì cá ngừ lên ngôi. Phú Yên hiện có nhiều tàu đánh cá ngừ, được bao nhiêu, doanh nghiệp Lợi Anh thu mua hết. Tôi cuốc bộ dọc theo bờ sông, những con thuyền lớn câm lặng gật gù theo sóng, có lẽ sau những chuyến đi biển dài ngày phải chống chọi với sóng to gió lớn nó được chủ cho nghỉ ngơi lấy lại sức. Bên phải là "phố ngư dân", từ gần cửa biển kéo dài tít tới gần cầu Đà Rằng. Dẫu không có nhà cao tầng như các phố thương mại nhưng tôi không thấy nhà tranh lụp xụp vẫn có ở các xóm chài ven biển.
Tuy Hòa hiện có 16 xã, phường với 202.000 dân, kinh tế đang chuyển theo hướng thương mại dịch vụ. Phía bắc thành phố có khu du lịch sinh thái, phía nam có cảng nước sâu Vũng Rô và Tuy Hòa đã có sân bay, hằng ngày đón khách từ Hà Nội vào và TP Hồ Chí Minh ra. Thành phố trẻ đang vươn mình bằng sức mạnh của một vùng quê kiên cường trong chiến tranh, bằng sự tự tin và bằng trí tuệ của ngày hôm nay. Tôi tin rằng nếu lần sau quay lại, Tuy Hòa chắc chắn sẽ rất khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.