Cuối tuần, tôi tới trung tâm văn hóa thiếu nhi xem một trận giao hữu bóng đá. Tôi ngồi xuống nhìn bọn trẻ bắt đầu trận đấu. Chúng chỉ khoảng 5-6 tuổi nhưng rất hào hứng và chuẩn bị cho trận đấu kỹ lưỡng không kém gì người lớn, có đồng phục thi đấu và huấn luyện viên hẳn hoi.
Hai đội hoàn toàn ngang nhau về trình độ. Tôi không biết tên gọi của hai đội bóng này nên gọi chúng là đội Một và đội Hai. Lũ trẻ chơi khá lóng ngóng, đứa này ngã đè lên đứa kia, có đứa dẫm vào bóng ngã lăn quay ra đất. Nhưng không sao, trận đấu bóng đang thực sự vui nhộn.
Đến hiệp hai, huấn luyện viên đội Hai thay đổi đội hình mà sau đó những cầu thủ mới được thay vào sân mới là người có khả năng nhất đội. Đội Hai trở nên mạnh hơn nhiều và thủ môn đội Một - một cầu thủ rất khá nhưng bị rút xuống bắt gôn - phải rất vất vả chống đỡ những đợt tấn công của đối phương. Dù có khả năng, cậu bé cũng khó mà giữ vững được khung thành, bởi tất cả đội đối phương đều đã dồn lên tấn công.
Đội Hai nhanh chóng ghi bàn và điều đó làm cho thủ môn đội Một rất tức. Cậu nhanh chóng mất bình tĩnh, gào thét chỉ đạo và mắng mỏ hậu vệ đội nhà. Nhưng không ăn thua gì, đội Hai đá áp đảo và nhanh chóng ghi thêm bàn thứ hai, bàn thứ ba trước những cú bay người bắt bóng nỗ lực nhưng vô vọng của cậu bé. Tôi nhìn quanh và qua thái độ của đôi vợ chồng ngồi gần, tôi nhận ra rằng, đó là cha mẹ của cậu bé bắt gôn. Đó là hai người trông lịch thiệp và đứng đắn. Cả hai đang hò hét động viên con trai mình. Nhưng sau bàn thua thứ ba, cậu bé nhận ra sự thật là một mình cậu không thể ngăn được đối phương ghi bàn. Cậu bé trở nên lầm lì. Thái độ của cha cậu cũng không như lúc đầu. Ông trở nên bồn chồn cho dù vẫn kêu to động viên cậu bé rằng hãy cố gắng và mọi việc sẽ ổn thỏa. Và rồi cái gì phải đến đã đến: Đội Hai ghi bàn thắng thứ tư.
Cậu bé thủ môn nhặt bóng từ trong lưới và đột nhiên, những giọt nước mắt trào ra. Cậu ngồi bệt xuống sân và khóc. Cha cậu bé đứng bật dậy. Tôi thấy người mẹ nắm tay ông nói: "Jim, đừng làm thế. Anh sẽ làm cho nó rối thêm đấy!".
Nhưng ông vẫn chạy vào sân bóng dù không được phép. Ông bế cậu lên, ôm cậu vào lòng, hôn và gần như khóc cùng cậu. Rồi ông nói to, như nói với tất cả mọi người:
- Scotty, bố rất tự hào về con! Con đã chơi rất xuất sắc và bố muốn mọi người ở đây biết con là con trai của bố.
- Bố ơi! - Cậu bé sụt sịt - Con không ngăn đối phương được. Con đã cố lắm rồi nhưng họ vẫn ghi được bàn thắng.
- Scotty, bị thủng lưới bao nhiêu lần không quan trọng - Người cha xoa đầu con trai mình - Con là con của bố và bố luôn tự hào về điều đó. Bố muốn con quay lại vị trí và tiếp tục trận đấu. Đi đi con!
Lời nói của người cha làm thay đổi hẳn tâm trạng của cậu bé. Cậu quay lại trận đấu và sau đó đội Hai ghi thêm vài bàn nữa. Nhưng mọi việc đều ổn, vẻ mặt cậu bé khác hẳn và cậu rất tự tin…
Bạn biết không, dù bạn có gặp khó khăn, dù bạn đã cố gắng mà vẫn thất bại nhưng những người xung quanh vẫn yêu thương bạn thì lúc đó bạn chính là người chiến thắng. Đó là bởi một lẽ rất đơn giản, bạn phải sống tốt đến thế nào, bạn là người tuyệt vời đến thế nào thì mới khiến người ta không rời xa bạn dù bạn thất bại, phải không? Chiến thắng đó mới thực sự quan trọng và ý nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.