(HNM) - Trong 47 năm qua, bài học tinh thần của chiến thắng 30-4-1975, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày càng được phát huy. Đây chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, nâng tầm vị thế dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế...
1. Lời kết Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc vào pho sử vàng dân tộc Việt Nam thời hiện đại lời thề độc lập của một dân tộc đã tự mình đứng lên giành độc lập, xứng đáng được hưởng độc lập, quyết hy sinh tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ cho được quyền tự do, độc lập vô giá của mình. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 và toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975 là hai trụ mốc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trong đó, chiến thắng ngày 30-4-1975 đã mở ra không gian lịch sử mới, nâng tầm vị thế dân tộc để Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, nuôi dưỡng khát vọng tương lai tươi sáng.
Ngược dòng lịch sử, chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở ra không gian lịch sử cho sự hồi sinh, thoát xác của một dân tộc trải hơn 1.000 năm bị các triều đại phong kiến phương Bắc nô dịch, đồng hóa. Từ đó, dân tộc ta hoàn toàn giành quyền tự chủ, bắt đầu thời kỳ kiến lập nền tự chủ phong kiến Việt Nam. Trên nền tảng ấy mà có được văn minh Đại Việt, đỉnh cao là thời Lý - Trần, cực thịnh dưới triều đại Lê Thánh Tông, khiến cho các quốc gia lân bang phải nể phục, khiến cho phong kiến Trung Hoa phải kiêng dè. Đại thắng mùa xuân Ất Dậu (1789) cũng là một trụ mốc lịch sử vệ quốc oai hùng dân tộc, xác lập tâm thế lịch sử bất khả chiến bại trước kẻ thù xâm lăng ngạo mạn, đánh thức lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện bản lề cho cánh cửa lịch sử giành lại quyền độc lập, đưa dân tộc Việt Nam hội nhập dòng chảy theo xu thế thời đại: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cuộc kháng chiến vệ quốc kéo dài 30 năm chống hai đế quốc sừng sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thực sự là thử thách lịch sử khốc liệt nhất, là cuộc đọ sức giữa những điều tưởng chừng như không tưởng, thành chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm đích thực là phép thử nghiệt ngã nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nếu như trước đó, Việt Nam kháng chiến chống Pháp giống như “châu chấu đá voi” thì trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ chẳng khác gì kiến đấu với voi. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã dấn thân vào chiến tranh Việt Nam với những tham vọng chiến lược toàn cầu, tiêu tốn nhiều tiền của và sinh mạng, thảm bại nhiều chiến lược chiến tranh, rốt cuộc Mỹ lần đầu thất bại cay đắng, khi phải rút quân về nước còn nặng trĩu câu hỏi: Tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến Việt Nam? Câu trả lời không thuộc về phía kẻ bại trận, mà là bởi người thắng trận: Khi một dân tộc biết đại đoàn kết, chiến đấu hy sinh tất cả vì độc lập, tự do, không cam chịu làm nô lệ thì dân tộc đó tất thắng.
Chiến thắng 30-4-1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong suốt 3 thập kỷ của thế kỷ XX, một dân tộc nhỏ bé - người không đông, đất không rộng, nghèo nàn và lạc hậu - đã dũng cảm, kiên cường chống lại hai kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự và giành được thắng lợi vẻ vang. Đó là điều mà nhân loại những năm tháng ấy không thể hình dung nổi.
2. Sức mạnh vô địch của Việt Nam là sức mạnh hội tụ dân tộc và thời đại, có Đảng, có Bác Hồ soi đường chỉ lối, truyền thống yêu nước, thương nòi, kiên cường bất khuất tự ngàn xưa được hội tụ và thăng hoa trong thời đại Hồ Chí Minh. Triết lý sinh tồn mà dân tộc ta phát kiến, hun đúc, hiện sinh trong cách mạng dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội đã trở thành giá trị phổ quát trong đời sống nhân loại: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hàm ý lịch sử về độc lập, tự do mà dân tộc Việt Nam khắc sâu vào lịch sử nhân loại chính là sự toàn vẹn lãnh thổ, sự tự quyết thể chế chính trị và mô hình chế độ xã hội, là người dân được định vị ở ngôi chủ nhân đất nước.
Thắng lợi ngày 30-4-1975 đã thu giang sơn về một mối không chỉ trên phương diện lãnh thổ mà còn trên phương diện chính trị và mô hình chế độ. Thắng lợi đó còn đặt tiền đề cho sự hòa hợp dân tộc, lấp dần hố sâu hận thù dân tộc, hận thù giai cấp, để Việt Nam trở thành hình mẫu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng hiếu sinh cho những ai từng ở phía bên kia chiến tuyến sinh tử.
Đương nhiên, để có được Đại thắng mùa xuân năm 1975, dân tộc Việt Nam phải hy sinh biết bao xương máu, đến tận bây giờ vẫn còn vô số chiến sĩ yên nghỉ trong lòng đất mẹ mà chưa tìm thấy phần cốt, còn biết bao thân phận quặt quẹo vì chất độc da cam, còn biết bao chứng tích chiến tranh rợn người, chưa kể bom mìn lẩn khuất rình rập cướp đi sinh mạng con người. Tất cả mất mát hy sinh mà đồng bào ta ở hai miền Nam - Bắc phải gánh chịu là một phần hồn cốt lịch sử dân tộc, giữ mãi tinh thần, ý chí, nghị lực, nuôi dưỡng khát vọng trường tồn dân tộc, tự lực, tự cường, phồn vinh, hạnh phúc. Trước ngày 30-4-1975, nước Việt Nam bị cắt chia lãnh thổ, đồng bào ta phải chịu nỗi đau chia cắt, như chim lìa tổ, cây lìa cành, hai nửa đất nước tồn tại hai chế độ, miền Bắc thụ hưởng mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa với nhiều ưu việt, miền Nam chịu nỗi đắng cay đau xót dưới xà lim, máy chém và súng đạn quân thù. Trước thử thách lịch sử, dân tộc Việt Nam quyết nuôi chí bền “Nam - Bắc là con một nhà”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Tinh thần ấy, thần khí lịch sử có một không hai trên thế giới lại được nhân lên gấp bội, đủ sức để dân tộc Việt Nam tiếp tục “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, đánh bại bọn diệt chủng, đẩy lùi quân bành trướng.
Trên tiền đề đại thắng ngày 30-4-1975, Việt Nam đủ bản lĩnh chính trị để vượt cạn lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đủ nhạy cảm chính trị để tự quyết vận mệnh đất nước, chế độ trong cơn bão táp lịch sử sau khi Liên Xô tan rã, đến nay sau 36 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam đã có được tiền đồ và vị thế lịch sử chưa từng có trước đây. Nhờ vậy mà dân tộc Việt Nam đủ tiền đề, điều kiện để nuôi dưỡng khát vọng cường thịnh.
Gần nửa thế kỷ đã qua, chiến thắng ngày 30-4-1975 càng tỏa sáng những giá trị lịch sử lừng lẫy năm châu. Dù còn có không ít kẻ thâm thù chính trị hòng bẻ cong lịch sử đã và đang bày trò xuyên tạc sự kiện ngày 30-4-1975, nhưng chân lý lịch sử về độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, toàn vẹn lãnh thổ, khát vọng hòa bình mà dân tộc Việt Nam hội tụ làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 vẫn luôn tỏa sáng, khích lệ đồng bào ta chung sức đồng lòng dựng xây, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.