Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến thắng mở đầu phong trào Đồng khởi

Hiền Phương| 23/01/2020 08:07

(HNM) - Hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 15, Xứ ủy Nam Bộ đã lãnh đạo lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ phối hợp với quân, dân tỉnh Tây Ninh làm nên chiến thắng Tua Hai vào tháng 1-1960. Chiến thắng là bước ngoặt quyết định phong trào cách mạng - mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ, đưa cách mạng miền Nam vượt qua thử thách, từ thế giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tiến công; từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh chính trị kết hợp quân sự, giành nhiều thắng lợi.

Quyết sách lịch sử

Tháng 7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Nhưng, với toan tính từ trước, đế quốc Mỹ từng bước thay thế thực dân Pháp, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành quốc gia thân Mỹ, ngăn chặn làn sóng cách mạng ở Đông Nam Á. Với dã tâm đó, Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội Sài Gòn, ráo riết thực hiện các kế hoạch “tố Cộng, diệt Cộng”… hòng triệt phá lực lượng cách mạng. Âm mưu và những hành động thâm độc của địch gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Nam, đặt cách mạng nước ta trước những thử thách mới.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Tua Hai, tổ chức tối 6-1-2020 tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồ Phúc

Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Trung ương Đảng triệu tập hội nghị lần thứ mười lăm. Hội nghị quyết định chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang bằng phương pháp khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền; chủ động đánh trận then chốt, tạo “quả đấm” quân sự có sức nặng để cổ vũ phong trào Đồng khởi trên toàn miền Nam. Theo sự triệu tập của Xứ ủy Nam Bộ, các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về Xứ ủy học tập đã báo cáo tình hình Tua Hai và khí thế của quần chúng trong tỉnh. 

Căn cứ Tua Hai nằm trên địa phận xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), là cứ điểm do Trung đoàn 32 (Sư đoàn 21) của địch chiếm giữ, đồng thời là kho dự trữ chiến dịch quan trọng của địch trên hướng này. 

Từ nghiên cứu, phân tích chiến trường, Xứ ủy Nam Bộ đã nhạy bén quyết định tấn công căn cứ Tua Hai. Vì nếu căn cứ Tua Hai bị tiêu diệt sẽ gây rúng động hệ thống phòng ngự của địch và ta có thêm vũ khí phát triển lực lượng vũ trang, mở rộng đồng khởi.

Phương án tác chiến được Ban Chỉ huy xác định gồm 4 mũi. Lực lượng tham gia trận đánh Tua Hai có 3 đại đội bộ binh và một đại đội đặc công trực thuộc Ban Quân sự Miền (gần như toàn bộ lực lượng chủ lực Miền có lúc bấy giờ). Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ quan trọng của chi bộ Đảng bí mật trong căn cứ Tua Hai của Tỉnh ủy Tây Ninh, lực lượng dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn của tỉnh Tây Ninh…

Vào đêm 28 Tết (đêm ngày 25 rạng sáng 26-1-1960) đúng 0h30, lệnh tấn công căn cứ Tua Hai bắt đầu. Ban Quân sự miền Đông phối hợp với quân, dân Tây Ninh chia làm 4 mũi tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai. Mũi 1 đánh vào sở chỉ huy Trung đoàn 32 ngụy. Mũi 2 đánh diệt Tiểu đoàn 1 rồi nhanh chóng chiếm kho vũ khí của địch. Mũi 3 đánh vào Tiểu đoàn 3, sau đó phát triển cùng lực lượng mũi 2 đánh Tiểu đoàn 2. Mũi 4 đánh vào khu quân xa và đại đội trọng pháo.

Ngoài ra, trung đội bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh và một trung đội công binh của Miền (bố trí ở phía Bắc đường 22) cũng tham gia trận đánh. Trước sức mạnh tấn công của ta bằng bộc phá, lựu đạn, thủ pháo và bộ binh, sau 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa; trận đánh diễn ra đúng như dự kiến. Ta tiêu diệt được Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2, làm tiêu hao Tiểu đoàn 3, bắt sống và giáo dục, thả tại chỗ hơn 500 tù binh, thu hơn 1.000 súng các loại, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Phát huy giá trị lịch sử cho hôm nay

Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trận tấn công căn cứ Tua Hai là trận đánh giành thắng lợi vang dội nhất ở chiến trường miền Đông Nam Bộ từ sau năm 1954 đến năm 1960, có tác động mạnh mẽ, mở màn cao trào Đồng khởi ở Đông Nam Bộ.

60 năm đã đi qua, phát huy hào khí chiến thắng Tua Hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh Tây Ninh đã và đang tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử quý báu, tiếp bước cha ông để xây dựng quê hương phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân hằng năm 11,92%. Tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 75% cơ cấu GRDP của tỉnh. Thu hút đầu tư nước ngoài không ngừng tăng về dự án vốn đăng ký, vốn thực hiện. Toàn tỉnh có 36/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45%.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới; bảo đảm cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng, tổ chức bộ máy tinh gọn. Tỉnh Tây Ninh còn tập trung đẩy mạnh chương trình phát triển nguồn nhân lực một cách đồng bộ và đi vào chiều sâu, nâng cao trình độ dân trí, nguồn nhân lực xã hội, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân phát triển năng lực, có niềm tin, yên tâm hết lòng cống hiến, phấn đấu xây dựng Tây Ninh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử oanh liệt về phong trào Đồng khởi vũ trang ở Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn mãi là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của quân, dân tỉnh Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung và đi vào lịch sử như một kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cán bộ, quân và dân tỉnh Tây Ninh và cả nước đang vận dụng những kinh nghiệm đúc kết được từ chiến thắng Tua Hai vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, góp phần vào thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa Việt Nam vững bước tiến lên, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng mở đầu phong trào Đồng khởi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.