Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến dịch Hồ Chí Minh: Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

Đại tá, TS Nguyễn Văn Lượng| 30/04/2014 06:24

(HNM) - 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc trọn vẹn.

Để có chiến thắng vĩ đại đó, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn thử thách hy sinh, cả nước một lòng, đồng tâm hiệp lực, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ để giành thắng lợi cuối cùng…

Người dân Sài Gòn đón mừng đoàn quân giải phóng. Ảnh tư liệu


Mùa xuân năm 1975, sau thắng lợi vang dội ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhận định và bổ sung quyết tâm mới, nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, chỉ đạo nhanh chóng tiêu diệt địch, giải phóng các tỉnh miền Trung, không cho chúng co cụm về Sài Gòn. Đồng thời, kiên quyết và nhanh chóng tập trung lực lượng, vật chất, kỹ thuật của cả nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh trong năm 1975 trước mùa mưa và cuối cùng là ngay trong tháng 4-1975.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch, tăng cường lãnh đạo tại chỗ của Bộ Chính trị đối với chiến dịch, chuẩn y đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh để động viên toàn dân, toàn quân. Hội đồng chi viện chiến trường do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch được thành lập. Ta tập trung nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy vào chiến trường để tăng cường bộ máy chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch. Bộ Tư lệnh chiến dịch đề ra quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo là hết sức khẩn trương, tập trung lực lượng, tạo ưu thế áp đảo, tập trung vật chất đầy đủ, chuẩn bị chu đáo, đánh mạnh, đánh liên tục, "đánh nhanh, giải quyết nhanh"; hình thành thế bao vây chia cắt, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng chủ lực Quân đoàn 3 và tổng trù bị địch còn lại ở vòng ngoài. Đồng thời, thọc sâu đánh thẳng vào Sài Gòn bằng lực lượng đột kích mạnh, kết hợp lực lượng tại chỗ và quần chúng nổi dậy, chiếm lĩnh các mục tiêu chiến lược, phá hủy đầu não chỉ huy, đập tan ngụy quyền trung ương, giải phóng Sài Gòn, cố gắng không để thành phố bị tàn phá; tạo điều kiện cho Đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy, giải phóng địa phương, giải phóng hoàn toàn miền Nam…

Theo tinh thần trên, ta tập trung khoảng 270.000 quân, với 5 quân đoàn và tương đương cùng một số trung đoàn, lữ đoàn độc lập…; 516 khẩu pháo, 550 tên lửa và cao xạ, 1 đại đội máy bay A37, 320 xe tăng, thiết giáp, hơn 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, một khối lượng vật chất tới gần 60.000 tấn, trong đó có 15.000 tấn đạn, 190.000 viên đạn pháo lớn đáp ứng yêu cầu chiến dịch… Với ưu thế áp đảo về lực lượng so với địch và để có sự áp đảo đó, ta nhanh chóng cơ động hầu hết lực lượng chủ lực từ miền Bắc, miền Trung vào địa bàn chiến dịch, tổ chức nhiều binh đoàn chiến lược hành quân thần tốc đường dài, vừa đi vừa chuẩn bị chiến đấu, vừa liên tục chiến đấu đã vào tới chiến trường đúng ngày quy định. Ta cũng đã tận dụng các hướng chiến lược Đông tây Trường Sơn sẵn có, nhanh chóng khắc phục, sử dụng quốc lộ 14, quốc lộ 1 mới giải phóng phát triển thêm đường chiến dịch, tăng cường phương tiện cơ giới cho vận chuyển, tận dụng khí tài, cơ sở vật chất mới thu được của địch… Phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp đòn quân sự và đòn nổi dậy, tiến công quân sự đi trước một bước; kết hợp ba thứ quân, lấy tác chiến hiệp đồng binh quân chủng của chủ lực làm chủ yếu; chuẩn bị tốt để đánh chắc thắng, ta đã nắm vững cả quy luật của chiến tranh cách mạng và quy luật của khởi nghĩa vũ trang, thực hiện phương châm chiến lược tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công bằng sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng, của ba thứ quân, trên cả ba vùng chiến lược. Với nỗ lực trên, ta đã tạo được thế trận của chiến dịch với hai lực lượng, ba thứ quân, thực hiện hai đòn chiến lược tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng.

Về quân sự, ta đã tạo thế bao vây chia cắt Sài Gòn. Phía đông, áp sát Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, cắt lộ 15, sông Lòng Tầu, chia cắt Sài Gòn với Bà Rịa, Vũng Tàu, chặn đường ra biển, làm tê liệt sân bay Biên Hòa. Phía bắc và Tây bắc, ta giải phóng Bà Đen, suối Ông Hùng, Dầu Tiếng, Chơn Thành, chia cắt Sài Gòn với Tây Ninh, Bình Dương. Phía tây và Tây nam, chia cắt Cái Vầu, Trung Lương, Cai Lậy… Các đơn vị đẩy mạnh hoạt động để tạo thế. Quân đoàn 4 đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 3 kị binh bay, Lữ đoàn dù địch; thực hành bao vây, cô lập triệt để, kết hợp áp lực khi Quân đoàn 2 phá vỡ tuyến phòng ngự từ xa Phan Rang, buộc địch rút chạy khỏi Xuân Lộc; quân ta áp sát Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, căn cứ Nước Trong, Đức Thạnh, làm rung chuyển tuyến phòng thủ phía đông của địch. Đoàn 232 uy hiếp và cắt đứt lộ 4, làm cho địch hết hy vọng điều Quân đoàn 4 của chúng từ Đồng bằng sông Cửu Long tăng viện hoặc rút chạy từ miền Đông về Đồng bằng sông Cửu Long.

Về chính trị, ta đã ra sức chuẩn bị lực lượng chính trị và đòn nổi dậy của quần chúng. Trung ương Cục phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh trực tiếp phụ trách mũi nổi dậy. Lực lượng chính trị có tổ chức của thành phố Sài Gòn Gia Định có khoảng hơn 40.000 người với 400 đảng viên, hơn 300 đoàn viên. Lực lượng quần chúng có tổ chức được chuẩn bị, đã tăng cường vào vùng ven và nội thành 1.700 cán bộ… Mỗi huyện có 1-2 đại đội, cả thành phố có 3.345 du kích, 233 tự vệ mật, 6 trung đoàn đặc công và 1 lữ biệt động được bố trí trên các trục đường tiến quân của các cánh quân chủ lực vào thành phố.

Sử dụng đòn tiến công quân sự áp đảo quân địch đi trước một bước, thúc đẩy hỗ trợ tạo đà cho đòn nổi dậy của quần chúng, trong hai ngày mở đầu chiến dịch 27 và 28-4, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 22 và cắt lộ 4 ở Tân An - Bến Lức, Sư đoàn 18 và thiết đoàn 3 ở Trảng Bom - Biên Hòa, Sư đoàn Thủy quân lục chiến ở Long Bình và Lữ đoàn 1 dù ở Bà Rịa. Ngày 29-4, ta tiêu diệt các Sư đoàn 22, 25, 18 Thủy quân lục chiến, các Lữ dù 1, Lữ 3 kị binh bay ở tuyến ngoài của địch. Cùng ngày, các binh đoàn thọc sâu đã tiêu diệt sư đoàn biệt động quân mới thành lập, các liên đoàn bảo an của tuyến giữa phòng ngự vùng ven và đã tiến nhanh vào sát thành phố. Trong khi đó các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương đã phá hủy các trận địa pháo, đánh chiếm đồn bốt, chiếm giữ các cầu vùng ven...

Với sự nỗ lực cao của lực lượng tại chỗ, của lực lượng cơ động chiến lược của cả nước với chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã toàn thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch Hồ Chí Minh: Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.