(HNM) - Trở thành quốc gia đầu tiên ban hành luật cấm các siêu thị vứt bỏ và tiêu hủy thực phẩm dư thừa trong bối cảnh thế giới vẫn có hàng vạn người chết đói mỗi ngày, cách làm của Pháp có thể trở thành một kinh nghiệm quý cho nhiều quốc gia học tập.
Hiếm có văn bản nào được các đảng phái trong Quốc hội Pháp thống nhất nhanh như dự luật này. Theo đó, tất cả các siêu thị có diện tích mặt bằng từ 400m2 trở lên phải ký hợp đồng quyên góp thực phẩm với các tổ chức từ thiện. Điều luật này cũng nghiêm cấm các siêu thị phá hỏng thực phẩm bị ế trước khi quyên góp. Bất cứ hành vi vi phạm nào cũng sẽ phải chịu mức phạt 3.750 euro. Các tổ chức từ thiện có nghĩa vụ tới các siêu thị thu thập, bảo quản thực phẩm trong điều kiện tốt nhất. Nếu còn trong hạn sử dụng, đồ ăn sẽ được phân phát từ thiện cho người vô gia cư, người nghèo. Trong trường hợp thực phẩm đã quá hạn sử dụng, chúng sẽ trở thành đồ ăn cho gia súc.
Theo một thống kê chính thức, mỗi năm trung bình nước Pháp vứt đi khoảng 7,1 triệu tấn thực phẩm, 67% trong số này là do người tiêu dùng lãng phí, 15% từ các nhà hàng và 11% từ các cửa hàng. Tổng giá trị lượng thực phẩm bị lãng phí nói trên vào khoảng 20 tỷ euro. Trong khi đó, những năm gần đây, truyền thông Pháp phản ánh rất nhiều về thực trạng các gia đình nghèo, sinh viên, người thất nghiệp và vô gia cư thường phải sục sạo thùng rác để tìm thức ăn thừa. Nhiều người sống nhờ vào nguồn thực phẩm còn dùng được bị người ta quẳng đi khi quá hạn sử dụng ghi trên bao bì. Tuy nhiên vẫn có tình trạng nhiều siêu thị ngâm tẩm thực phẩm bỏ đi trong hóa chất để ngăn không cho người khác sử dụng. Cũng có siêu thị cố tình khóa trái đồ ăn hết hạn trong kho chứa để đợi xe chở rác tới thu dọn. Trước tình trạng này, các tổ chức phi lợi nhuận ở Pháp đã tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề chống lãng phí thực phẩm.
Theo Jacques Bailet, người đứng đầu một ngân hàng thực phẩm, nơi chuyên bảo quản thực phẩm thừa từ các siêu thị, sau 4 tháng điều luật được áp dụng, đến nay, các ngân hàng không chỉ thu gom 35.000 tấn thực phẩm từ các siêu thị mà còn nhận được 100.000 tấn thực phẩm do các nhà từ thiện quyên góp. Hiện tại, các nhà hoạt động tại Pháp đang tiếp tục thực hiện nhiều chiến dịch nhằm đưa luật chống lãng phí thực phẩm áp dụng tại các nhà hàng, căng tin và kêu gọi các thành viên khác của Liên minh Châu Âu (EU) thông qua đạo luật tương tự.
Theo thống kê, mỗi năm thế giới vứt bỏ 1,3 tỷ tấn thực phẩm. Riêng tại Châu Âu con số này vào khoảng 89 triệu tấn mỗi năm. Ở nhiều quốc gia phát triển, tiêu chuẩn thực phẩm nghiêm ngặt thái quá chính là một phần nguyên nhân khiến tình trạng lãng phí ngày càng trở nên đáng báo động. Chỉ cần có bề ngoài không được đẹp mắt một chút, rất nhiều thực phẩm dù bảo đảm chất lượng cũng có thể bị thải loại. Một khi đạo luật này được nhiều nước hưởng ứng, chắc chắn sẽ là một hành động thiết thực và có ý nghĩa đối với người nghèo trên toàn thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.