(HNM) - Càng ngày Cúp quốc gia càng bị các đội bóng coi là nơi thử nghiệm cho các cầu thủ trẻ. Từ việc lãnh đạo các đội không coi trọng sân chơi này dẫn đến việc các cầu thủ được thể ''làm càn'' bằng không ít biểu hiện lạ trong các trận đấu vừa qua.
"Bỏ cuộc" ngay khi chưa bắt đầu
Về lý thuyết, vòng 1/8 Cúp quốc gia năm nay diễn ra với khá nhiều bất ngờ khi mà đội đương kim vô địch Xi măng XT.Sài Gòn, rồi đội bóng đang dẫn đầu V.League là Sông Lam Nghệ An đều bị loại ở vòng đầu. Thế nhưng, trên thực tế, hai đội bóng này đã chủ động rời cuộc chơi từ khi trận đấu chưa diễn ra. Xi măng XT.Sài Gòn với hàng loạt diễn biến hậu trường khá phức tạp, khiến cầu thủ chẳng còn tâm trí nào thi đấu và bị HA.Gia Lai loại là xứng đáng.
Nhiều đội bóng không mặn mà với chiếc Cúp quốc gia. Ảnh: Minh Hoàng |
Đội bóng xứ Nghệ sau 2 mùa liền đá AFC Cup đã ''khiếp vía'' sân chơi này bởi vừa tốn kém, vừa không "thu hoạch" được danh tiếng và chuyên môn. Đã thế, đội bóng này lại luôn có duyên với sân chơi Cúp quốc gia, giải đấu mà đội vô địch sẽ được ''thưởng'' suất dự AFC Cup. Thế nên, ngay từ vòng đầu, họ đã chọn cách ''chuồn sớm'' khi đưa ra đội hình gồm toàn bộ các cầu thủ dự bị. Trước đối thủ như thế, đội chủ nhà Thanh Hóa cũng chẳng buồn thắng nên trận đấu phải kéo đến loạt đá luân lưu. Trong loạt sút 11m, những người có mặt trên sân đều bán tín, bán nghi về tình huống trung vệ Huy Hoàng ''chốt hạ'' bằng pha "bắn chim" khiến đội Sông Lam Nghệ An thua chung cuộc.
Người ta cũng phải bán tín bán nghi về tình huống thủ môn Dương Hồng Sơn đẩy bóng một cách khá lộ liễu vào lưới đội nhà Hà Nội T&T trong trận đấu với K.Kiên Giang ngay trước mắt bầu Đỗ Quang Hiển và các quan chức của ban tổ chức. Trong quá khứ, thủ môn này cũng từng nhiều lần bị nghi ngờ vì những tình huống tương tự. Được biết, Ban Tư vấn đạo đức đã được BTC đề nghị xem xét lại tình huống này để nếu có diễn biến bất thường sẽ phối hợp với bộ phận an ninh làm rõ.
Lỗi từ nhiều phía
Một điều rất lạ là các đội bóng phải nuôi quân quanh năm, nhưng số trận thi đấu lại rất ít. Ngay cả ở V.League thì mỗi đội cũng chỉ thi đấu 22 trận, bằng hơn một nửa số trận đá trong một năm của các đội bóng ở các quốc gia khác. Còn ở hạng Nhất, mỗi đội chỉ thi đấu có 14 trận mùa này. Lẽ ra sân chơi cúp phải được tận dụng để các cầu thủ tăng cường cọ xát. Thế nhưng, nhiều đội chỉ cử khoảng 14-15 cầu thủ đi thi đấu trên sân khách và khi thua trận thì mừng hơn cả đội chiến thắng. Chính thái độ thiếu chuyên nghiệp của các đội bóng đã phá hỏng mục tiêu chuyên môn của giải đấu.
Không chỉ các đội bóng mà ngay cả đơn vị tổ chức cũng không coi trọng sân chơi này. Điều này có thể thấy ở lịch thi đấu: các trận quan trọng được xếp vào ngày thứ hai hoặc thứ ba khiến cho các khán đài luôn trống vắng. Thêm nữa, việc xếp lịch cũng khá bất hợp lý với một số đội, chẳng hạn như Xi măng V.Hải Phòng phải làm khách trên sân Quảng Nam vào ngày 24-3, tức là chỉ 2 ngày sau trận đấu chính thức của Đội tuyển Việt Nam ở vòng loại ASIAN Cup 2015 mà Tấn Tài thì nằm trong tuyển. Cách xếp lịch kiểu này đã vô tình loại luôn Tấn Tài khỏi trận đấu. Dù có thể lịch thi đấu khác đi đội bóng đất Cảng cũng không đưa Tấn Tài vào sân, nhưng ở góc độ nhà tổ chức thì phải làm sao bảo đảm công bằng đến mức cao nhất có thể.
Để lấy lại hình ảnh cho sân chơi cúp, rõ ràng cần sự nỗ lực của không chỉ các đội bóng mà VPF, đơn vị tổ chức, cũng nên "vào cuộc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.