Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và rủi ro

Khánh Khoa| 11/11/2011 07:30

(HNM) - Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, Luật Nhà ở quy định, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN) phải xác định nhu cầu về nhà ở, đất và hạ tầng cho nhà ở công nhân; công nhân KCN được thuê nhà ở xã hội.

Thực ra nhà ở công nhân đã được xã hội hóa từ lâu, giá cả do hai bên thỏa thuận. Do phân khúc thị trường này hình thành tự phát, không có sự quản lý cũng như sự can dự của Nhà nước, nên bên cung chỉ là các hộ gia đình xung quanh KCN. Điều kiện ở rất kém, chật chội, thiếu tiện nghi. Các gia đình thường làm nhà cho thuê để có thêm thu nhập, còn bên cầu cũng chỉ xem đó là nơi ở tạm bợ.


Khu nhà ở cho công nhân Vinaconex tại Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.     Ảnh: Thái Hiền

Theo TS Liêm, các chủ nhà trọ bình dân cần được tài trợ để cải thiện điều kiện vệ sinh trong các phòng đang cho thuê mà không tăng giá thuê. Cụ thể, mỗi người tối thiểu 7-8m2. Mỗi phòng cho 2-3 người có một công trình phụ. Nếu có điều kiện, có thể dùng kiểu nhà 2 tầng lắp ghép bằng cấu kiện nhỏ. Việc hỗ trợ dựa trên hợp đồng quan hệ đối tác công tư (PPP) do bên tài trợ và chủ nhà trọ ký kết với nhau, trong đó quy định rõ "3 chia sẻ": chia sẻ lợi ích - trách nhiệm và rủi ro. UBND tỉnh có thể ủy nhiệm cho công đoàn KCN làm đại diện để ký hợp đồng PPP, quản lý việc chi tài trợ, giám sát việc cho thuê nhà trọ (điều kiện vệ sinh, giá cho thuê). Chủ nhà trọ nếu không muốn, không phải tham gia "quan hệ đối tác công tư" nhưng vẫn phải chấp hành quy chế nhà trọ của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế. Loại hình nhà trọ "bình dân" này không thể tồn tại lâu dài, vì lương công nhân và thu nhập của các hộ dân dần được nâng lên theo tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, công nhân sẽ xây dựng gia đình, vì vậy cần có loại nhà ở thích hợp (theo kinh nghiệm quốc tế, nhà ở được xem là thích hợp với hộ gia đình khi họ chi phí cho chỗ ở không quá 30% tổng thu nhập). Ngoài ra, các hộ công nhân còn cần trường cho con đi học, chợ để mua nhu yếu phẩm hằng ngày, trong khi công nhân trẻ thì cần đến các công trình thể thao và vui chơi giải trí.

Từ quan điểm trên, không thể chỉ xây dựng khu nhà ở công nhân với các tòa nhà xếp hàng đơn điệu như doanh trại, mà phải quy hoạch xây dựng một khu đô thị đa chức năng, có sức sống và phát triển bền vững. Đô thị được phát triển theo một dự án do UBND tỉnh lập đồ án quy hoạch xây dựng, thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, sau đó lần lượt giao đất cho các dự án thành phần. UBND huyện là chủ đầu tư các công trình hạ tầng xã hội. Việc đấu thầu chọn nhà đầu tư đồng thời với một dự án phát triển bất động sản thương mại dịch vụ trên một khu đất khác theo quy hoạch đô thị. Nhà đầu tư khi trúng thầu được hưởng các ưu đãi về thuế, lãi suất vốn vay ngân hàng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.