Các nguồn tin nước ngoài ngày 19-2 cho biết, Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đang diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) trong ngày đã không đạt được đồng thuận về cách thức đánh giá sự mất cân bằng của nền kinh tế toàn cầu.
Nhóm G-20 hy vọng có thể đạt được thỏa thuận trên 5 điểm: cán cân vãng lai, tỷ giá thực, dự trữ ngoại tệ, thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, trên thực tế, các nước đã không nhất trí được về cách thức đánh giá sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu do hầu hết các nước không muốn công khai chỉ số phản ánh sự mất cân đối của nền kinh tế. Trung Quốc và Đức, hai quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, không muốn bị chê trách là có mức thặng dư mậu dịch quá lớn. Riêng về tỷ giá hối đoái, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều đối tác thương mại về đồng nhân dân tệ, vẫn bị coi là được định giá quá thấp. Một vấn đề khác gây bất đồng nữa là xác định các số liệu đi kèm với các chỉ báo, như bao nhiêu phần trăm GDP thì bị coi là mất cân đối cán cân thanh toán vãng lai. Đối với Liên minh châu Âu (EU), điểm này rất quan trọng để có thể xác định đến mức độ nào thì cần phải thi hành các biện pháp điều chỉnh, nhưng nhiều nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, không chấp nhận đề nghị đó.
Tổng thống Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G-20, ông Nicolas Sarkozy cảnh báo, nếu các nước tiếp tục đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết, Hội nghị G-20 sẽ không thể thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.