(HNM) - Trong nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19, áp dụng công nghệ thông tin được coi là "chìa khóa vàng" để các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương. Đây tiếp tục là hướng đi được Bộ Công Thương tập trung trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tìm kiếm đối tác; đẩy mạnh phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Kết nối tiêu thụ trực tuyến
Ngày 15-7 vừa qua, các tổ chức xúc tiến thương mại, nhà nhập khẩu nước ngoài; các công ty xuất khẩu, nhà phân phối, thu mua của Việt Nam… ở 12 điểm cầu trong nước và 60 điểm cầu tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng tham gia “Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021”.
Đây là một trong những hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Được kết nối qua không gian mạng, gần 200 cuộc giao thương diễn ra giữa 30 doanh nghiệp từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước… với gần 70 nhà nhập khẩu đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Australia… Theo đó, một số nhà nhập khẩu lớn của Singapore, Hoa Kỳ, Hà Lan mong muốn nhập khẩu ổn định các lô hàng nhãn tươi, nhãn chế biến.
Tham gia sự kiện này, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương (quận Long Biên, Hà Nội) Thái Thị Thanh Lan đánh giá cao Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã cung cấp những thông tin rõ ràng, cụ thể, giúp doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh Hưng Yên rất hiệu quả.
Một kết quả khác thu được từ hội nghị, đó là, trái nhãn và nông sản Hưng Yên sẽ được kết nối trực tiếp tới người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử lớn vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới.
Trước đó, hồi tháng 5 và tháng 6, Hội nghị kết nối tiêu thụ vải thiều Bắc Giang và Hải Dương cũng được tổ chức trực tuyến với quy mô lớn. Đã có 30 điểm cầu, bao gồm 22 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu tại Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc… được kết nối với tỉnh Bắc Giang; 36 điểm cầu trong đó có 31 điểm cầu ở nước ngoài được kết nối với tỉnh Hải Dương. Đồng thời, có 200 nhà nhập khẩu nước ngoài kết nối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Bắc Giang. Tương tự gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài đã giao dịch trực tuyến để thu mua vải thiều và nông sản Hải Dương.
Không lâu sau đó, vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đã lên kệ nhiều siêu thị ở Pháp, Đức, Hà Lan rồi kết nối lên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba. Trái vải thiều cũng “nhuộm đỏ” các sàn thương mại điện tử nội địa, như: Sendo, Voso, Postmart, Lazada… để tới tay người tiêu dùng khắp cả nước. Gần 1 triệu đơn hàng tương đương trên 9.000 tấn vải đã được tiêu thụ tại 6 sàn thương mại điện tử với mức giá cao. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song niên vụ 2021, hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã có vụ vải thiều thắng lợi.
Mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, chúng ta đã lựa chọn hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến như một giải pháp tối ưu làm cầu nối để các doanh nghiệp Việt mở rộng tìm kiếm đối tác, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Đến nay hình thức kết nối thương mại trực tuyến đã phát huy hiệu quả tích cực.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại Nguyễn Thị Thu Thủy, mỗi tuần Cục tổ chức 2-3 hội nghị xúc tiến thương mại. Qua đó đã giúp hàng vạn lượt doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương trực tuyến với khoảng 50 thị trường trên thế giới trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ... Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra, các hoạt động này còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối được với các đầu mối cung ứng vật tư, nguyên liệu…
Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh. Thông qua các lớp đào tạo được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã có thể tiếp cận các thị trường quốc tế. Với thị trường thương mại điện tử trong nước, Cục đã phối hợp với các sàn Lazada, Shopee, Tiki, Sendo tiêu thụ hàng chục tấn nông sản vào vụ của các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La…
Đánh giá cao hiệu quả tích cực của hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại và các đối tác, đưa thêm nhiều hàng hóa Việt Nam lên bán trên sàn.
Phát huy hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú khẳng định, thời gian tới Cục sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm…, qua đó mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.