Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Chìa khóa'' sàng lọc thông tin an toàn thực phẩm

Xuân Lộc| 10/12/2021 06:26

(HNM) - Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội và diễn đàn về chăm sóc mẹ và bé chia sẻ thông tin về một số loại thực phẩm “kỵ” nhau, không thể kết hợp và có thể gây ngộ độc khi ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh, các thực phẩm khi kết hợp với nhau tạo ra hợp chất độc hại. Người tiêu dùng cần có kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh thực phẩm và đây là chìa khóa để sàng lọc thông tin trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ Thái Hà (quận Đống Đa). Ảnh: Trang Thu

Một bữa ăn nên phối hợp nhiều loại thực phẩm

Trước thông tin về một số loại thực phẩm không nên kết hợp với nhau, ông Lê Hồng Dũng, Trưởng khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) khẳng định, sự tương tác giữa các chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm ăn cùng nhau là có thể xảy ra. Kết quả của sự tương tác này có thể có lợi, giúp làm tăng việc hấp thụ một số chất dinh dưỡng hoặc không có lợi, làm giảm hấp thụ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy, các thực phẩm khi kết hợp với nhau tạo ra hợp chất độc hại.

“Thông tin trên một số diễn đàn cho rằng, cà chua và khoai tây khi nấu chung với nhau, pectin và nhựa phenolic có trong cà chua kết hợp với lượng tinh bột cao của khoai tây có thể gây nên tình trạng rối loại tiêu hóa, khó tiêu, gây đau bụng, tiêu chảy ở những trẻ có hệ tiêu hóa kém. Điều này là không có cơ sở khoa học, cà chua và khoai tây có thể nấu và ăn cùng nhau. Trong công nghiệp thực phẩm, người ta còn dùng tinh bột khoai tây làm phụ gia để làm sốt cà chua. Khoai tây kết hợp với cà chua là món ăn được nhiều người ưa thích”, ông Lê Hồng Dũng dẫn chứng.

Nhiều người cũng cho rằng, không nên kết hợp sữa với những trái cây như cam, quýt… sẽ dẫn đến khó tiêu, đầy bụng và rối loạn tiêu hóa. Thế nhưng, theo ông Lê Hồng Dũng, điều này cũng không có cơ sở khoa học. Nếu pha sữa với nước cam thì có thể làm cho mùi vị hỗn hợp nước trở nên khó uống, chứ không gây ra vấn đề về dinh dưỡng hay tiêu hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng, trên thị trường thực phẩm trong và ngoài nước đã có những sản phẩm sữa hoa quả, với nhiều hương vị khác nhau, ngon và an toàn. Thậm chí, người ta còn sử dụng đường từ hoa quả thay cho việc sử dụng đường trắng khi kết hợp với sữa tốt cho sức khỏe.

Trước thông tin không nên nấu gan lợn với giá đỗ, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, điều này không đúng về mặt khoa học. Xét về khía cạnh ẩm thực, gan xào giá rất ngon miệng. Thậm chí, gan giàu Vitamin A, sắt khi xào với rau sẽ giúp tăng hấp thụ các vi chất này. Còn về thông tin không nên kết hợp thịt lợn và thịt bò trong cùng bữa ăn của trẻ, xét về khía cạnh ẩm thực hay khoa học dinh dưỡng đều không đúng. Trong một bữa ăn, nếu phối hợp nhiều loại thực phẩm, thì càng đa dạng các chất dinh dưỡng hơn. Còn theo nguyên tắc cơ bản là không nên ăn quá nhiều thực phẩm cung cấp chất đạm vượt quá nhu cầu khuyến nghị, sẽ không tốt cho sức khỏe.

Phòng tránh ngộ độc cùng 10 nguyên tắc “vàng”

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) và Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn càng đa dạng, càng phối hợp nhiều loại thực phẩm thì càng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Bữa ăn hợp lý cần có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm, có từ 10 loại thực phẩm trở lên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đưa ra khuyến cáo, bữa ăn hợp lý có từ trên 10 loại thực phẩm, trong đó có 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, 3-5 loại rau, củ. Tuy nhiên, có một số thực phẩm ít khi kết hợp với nhau, vì thực tế nó không phù hợp với khẩu vị nhiều hơn là do tương tác thực phẩm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thực phẩm luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất cho cuộc sống của con người. Thực phẩm xanh, sạch được chế biến đúng phương pháp sẽ giúp cơ thể thêm khỏe mạnh hơn. Ngược lại, nếu thực phẩm không được lựa chọn đúng cách, không được chế biến cẩn thận sẽ khiến các chất dinh dưỡng mất đi và có thể gây hại đến sức khỏe. Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, mọi người cần tuân thủ theo 10 nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm an toàn.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 10 nguyên tắc “vàng” chính là chọn thực phẩm an toàn, tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm cần phải được đun nấu kỹ trước khi ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải luôn được khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh; bảo vệ thực phẩm khỏi những loài côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác và sử dụng nguồn nước sạch khi chế biến thực phẩm.

Điều quan trọng để phòng, chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đó là người tiêu dùng cũng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng, tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm phải đình chỉ việc sử dụng và niêm phong toàn bộ thực phẩm đó để xác minh, đồng thời báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời và đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Chìa khóa'' sàng lọc thông tin an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.