(HNMO) - Đối thoại xã hội, năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc… đang trở thành chìa khóa quan trọng khi Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Đây là ba chìa khóa giúp cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua thách thức để phát triển bền vững.
Người lao động cần trang bị tốt hơn để hội nhập. Ảnh minh họa - nguồn: laodong.com.vn |
Trong khoảng thời gian thực hiện chính sách đổi mới phát triển kinh tế của mình, Việt Nam đã từ một trong những nền kinh tế bị cô lập trở thành một trong những nền kinh tế có sự kết nối nhất, thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do. Đó là nhận định của ông Giám đốc ILO Việt Nam tại Hội nghị thúc đẩy đối thoại xã hội, cải thiện năng suất lao động và điều kiện làm việc do Bộ LĐTB&XH Việt Nam, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Điều mà ai cũng dễ dàng thấy đó là những lợi ích mà nền kinh tế mở cửa đem lại về đầu tư, cơ hội tham gia thị trường toàn cầu và tạo việc làm. Song song với điều đó cũng có không ít cảnh báo về những rủi ro đi kèm do các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn, người lao động và gia đình họ phải chịu sự biến động do các tác nhân của thị trường toàn cầu gây ra.
Làm sao để vừa có thể duy trì tính cạnh tranh đồng thời đảm bảo sinh kế ổn định cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động ở một nền kinh tế mở cửa như vậy? Để giải quyết vấn đề này nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải xây dựng một môi trường phát triển doanh nghiệp bền vững cũng như các thiết chế thị trường lao động linh hoạt mới giảm thiểu được những tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài đối với đời sống của người lao động.
Và từ đó, ILO cũng như kinh nghiệm từ Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đều đưa đến nhận định: Cần thúc đẩy đối thoại xã hội, tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc có vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.
Thực tế ở Việt Nam, qua các cuộc hội thảo về năng suất lao động đều có chung nhận xét, năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp như hiện nay sẽ gây khó khăn lớn cho DN và cả nền kinh tế khi tham gia hội nhập kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2010, năng suất trung bình của mỗi lao động Việt Nam hiện tăng gần 24%, nhưng chưa đủ bù đắp khoảng cách về năng suất với các quốc gia khác trong khu vực.
Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động xã hội của nền kinh tế năm qua (tính theo giá hiện hành) đạt 79,3 triệu đồng mỗi lao, động, tương đương khoảng 3.660 USD. Năng suất lao động người Việt đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều, bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9% mỗi năm. So với năm 2010, năng suất lao động đã tăng 23,6%, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 29-32%.
Còn nghiên cứu của ILO cũng đã chỉ ra chỉ số này của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Để tạo ra một thiết chế thị trường lao động tương thích với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA)… thì Việt Nam hiện đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động theo hướng đảm bảo các nguyên tắc về quyền cơ bản trong lao động mà chúng ta đã tham gia ký kết. Ngoài ra, vấn đề thu nhập trung bình mà chúng ta cũng đã được cảnh báo – Việt Nam có thể khó thoát được ra khỏi nền sản xuất thâm dụng lao động đem lại ít giá trị gia tăng và trả lương thấp cho lực lượng lao động không có kỹ năng.
Về đối thoại xã hội, tổ chức Công đoàn của người lao động và tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động cũng cần cùng nhau tìm ra các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất và đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về lĩnh vực này nhưng tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới phương thức hoạt động nhằm thúc đẩy đối thoại xã hội, năng suất lao động và điều kiện làm việc hơn nữa.
Đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng, đây là “thời điểm thích hợp” cho Chính phủ Việt Nam, cùng với ILO, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức của người lao động và các đối tác xã hội khác xem lại chính sách của mình để nâng cao năng suất và điều kiện làm việc và để thiết kế và thực hiện các chính sách hiệu quả hơn trong lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.