(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt bản Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây được coi là giải pháp quan trọng trong việc phát triển nhân lực đất nước.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn GS-TSKH-NGND Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT, về ý nghĩa của giải pháp này đối với công tác đào tạo, vốn được coi là nơi giải "đầu bài" mà những mục tiêu của bản quy hoạch đã đặt ra.
- Thưa GS, từ lâu việc đào tạo theo nhu cầu xã hội đã là một đòi hỏi bức thiết đối với các cơ sở đào tạo, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu các công cụ dự đoán và quy hoạch về nhân lực khiến công tác này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Vậy GS nghĩ gì về điều này?
- Thực tế nhiều năm nay, các bộ, ngành thường đề xuất số lượng nguồn nhân lực nhưng chỉ đưa ra một con số chung chung, không có yêu cầu cụ thể nhân lực cho từng ngành nghề, các vùng miền. Hằng năm, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ,TB&XH tổng hợp số liệu và giao cho các cơ sở đào tạo theo chỉ tiêu tuyển sinh. Về cơ bản, tuy nhiệm vụ đào tạo nhân lực có đáp ứng được yêu cầu về phát triển quy mô chung nhưng thực sự không đưa ra được yêu cầu phù hợp nguồn nhân lực của từng ngành nghề, vùng miền. Điều đó dẫn đến tình trạng mất cân đối nhân lực trong thị trường lao động. Ở nhiều ngành nghề, sinh viên được đào tạo ra không tìm được việc làm, nhiều ngành lại thiếu nhân lực nghiêm trọng. Các cơ sở đào tạo cũng không có một bức tranh tổng thể và đơn đặt hàng từ nhu cầu của xã hội hoặc từ các bộ, ngành để phân phối số SV của mình về các khoa, các bộ môn cho hợp lý..
Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng cho phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Ảnh: Linh Tâm |
- Vậy, theo GS, quy hoạch này có tầm quan trọng thế nào đối với công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội?
- Theo tôi, bản "Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020" chính là chìa khóa quan trọng để các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng kế hoạch đào tạo, số lượng nguồn nhân lực cụ thể của các ngành nghề, vùng miền hằng năm và 5 năm ở các bậc đào tạo. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, môi trường, như tốc độ tăng trưởng GDP 7-8%/năm, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 85%, lao động qua đào tạo trên 70%… chỉ có thể thực hiện được khi cơ cấu, quy mô, chất lượng nguồn nhân lực phát triển mạnh mẽ và đúng quy hoạch. Nhiều số liệu quan trọng và rất chi tiết về cả tỷ lệ tương đối (tỷ lệ %) và tuyệt đối (số lượng cụ thể) trong bản quy hoạch về cơ cấu bậc đào tạo, về nhân lực các ngành, các lĩnh vực, về nhân lực chủ thể tham gia phát triển… đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta. Nếu nói đào tạo theo nhu cầu xã hội mà không đưa ra được các số liệu như đã nêu trong bản quy hoạch thì chủ trương đó không có cơ sở để triển khai và cũng chỉ dừng lại ở sự mong muốn và mang tính chất định tính; nếu không có đầu ra thì không thể xác định được đầu vào. Quy hoạch thực ra là bài toán điều khiển học.
- Với bản quy hoạch này, liệu việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, vốn vẫn được xác định chủ yếu trên cơ sở năng lực đào tạo của các trường, có thể còn được dựa trên nhu cầu của các ngành nghề, vùng miền hay không, thưa GS?
- Gần đây, việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đã công khai, minh bạch; đặc biệt là đã dựa trên năng lực đào tạo của trường, trong đó chủ yếu dựa trên các tiêu chí cụ thể của trường để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, như vậy thì chỉ mới bảo đảm được một yêu cầu là đáp ứng cơ bản về chất lượng đào tạo, còn về nhu cầu của thị trường, nhu cầu các ngành nghề thì không được xác định. Tuyển sinh ngành nào, số lượng SV của từng ngành bao nhiêu đều do các trường tự sắp xếp theo kinh nghiệm nhưng không có luận cứ chặt chẽ về khoa học và thực tiễn, kể cả điểm chuẩn của từng ngành… Điều này dẫn đến tình trạng là có nhiều ngành, nhiều khoa SV thích học hay đăng ký học theo cảm tính, nhưng không đúng với nhu cầu nhân lực thị trường lao động của các ngành đó, vì vậy sau khi ra trường các em không tìm được việc làm, hoặc phải làm trái ngành nghề. Các trường cũng không có cơ sở nào để điều chỉnh và cung cấp thông tin cho SV. Các bộ, ngành, địa phương cũng không biết chỉ đạo cụ thể vấn đề này như thế nào mà chỉ nêu chủ trương chung chung.
Khi đã có bản quy hoạch thì việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phải bảo đảm yêu cầu kép: bảo đảm chất lượng và số lượng theo ngành nghề, theo vùng miền. Tất nhiên các trường không thể tự đặt ra chỉ tiêu từng ngành nghề cụ thể mà phải do một cơ quan điều phối tổng thể của nhà nước, (tốt nhất là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ,TB&XH), giao chỉ tiêu theo từng ngành cho cơ sở đào tạo để khi tổng hợp lại, về cơ bản đáp ứng được tổng quy mô nhu cầu nhân lực quốc gia theo quy hoạch. Làm được việc này là đã thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - xã hội trong đào tạo. Nhà nước đặt hàng, cơ sở đào tạo thực hiện, người sử dụng và thị trường lao động không lo thiếu nguồn nhân lực; đồng thời dễ đề xuất các cơ chế, chính sách mới, các yêu cầu và cam kết mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo quy mô và chất lượng đào tạo. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để tiến tới đổi mới công tác tuyển sinh và chương trình, nội dung đào tạo.
- Xin cảm ơn GS!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.