Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Chìa khóa'' chinh phục khán giả

An Định| 03/04/2022 05:40

(HNMCT) - Khi những câu chuyện đã dần trở nên quen thuộc trong thế giới phim ảnh quá đa dạng, việc tìm kiếm nét văn hóa truyền thống giúp tạo ra màu sắc và con đường thành công riêng cho rất nhiều bộ phim thương mại.

“Đêm tối rực rỡ” khai thác sâu đề tài văn hóa ma chay của người miền Nam.

“Đêm tối rực rỡ” và câu chuyện văn hóa tang lễ

Sau nhiều lần đổi lịch, bộ phim “Đêm tối rực rỡ” đã chốt lịch ra rạp vào tháng 4 này và những thông tin về bộ phim đang khiến khán giả hết sức tò mò. Tháng 2 vừa qua, bộ phim đã thắng hai giải thưởng quan trọng là Best Story (Câu chuyện xuất sắc nhất) và Best Performance: Female (Nữ diễn viên xuất sắc nhất) dành cho Nhã Uyên tại Liên hoan phim Santa Fe 2022. Được tổ chức từ năm 1999, Santa Fe là một trong những liên hoan phim độc lập hàng đầu tại Hoa Kỳ. Năm nay, liên hoan phim có sự tham dự của 168 bộ phim đến từ 36 quốc gia. Điều gì đã mang đến chiến thắng cho “Đêm tối rực rỡ”?.

“Đêm tối rực rỡ” là bộ phim Việt Nam do đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto dàn dựng. 16 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đạo diễn Aaron góp mặt trong nhiều dự án phim đình đám như “Em chưa 18”, “Để Mai tính”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Tèo Em”, “Thanh Sói”... và là người thấu hiểu, say mê văn hóa Việt Nam. “Đêm tối rực rỡ” được thai nghén và thành hình bởi tình yêu đó của chính Aaron và vợ mình - diễn viên kiêm nhà sản xuất Nhã Uyên.

Theo thông tin từ đơn vị phát hành, bộ phim khai thác một chủ đề không hề xa lạ với bất kỳ người Việt Nam nào nhưng còn hiếm thấy với điện ảnh nội địa: Đám tang. Đạo diễn Aaron cho rằng, đám tang của người miền Nam Việt Nam là độc nhất thế giới bởi nó bao hàm quá nhiều hình ảnh cũng như các yếu tố tạo nên tính văn hóa thường nhật. Đó là một sự kiện đau buồn, mất mát, tang thương nhưng vẫn rực rỡ màu sắc. Anh chia sẻ: “Lúc mới sang Việt Nam và tham dự một đám tang, tôi rất bất ngờ. Có nhiều nghi thức và quy trình, cũng như rất nhiều sắc thái trên gương mặt những người đến dự. Họ tổ chức nghi lễ tiễn đưa người đã mất một cách long trọng, không qua loa. Đau thương, mất mát vẫn ở trong tim mỗi người nhưng cách họ trân quý những giây phút cuối cùng bên người thân qua một đám tang rực rỡ thực sự đã khiến tôi không thể quên”. 

Trong phim, đám tang là bối cảnh chính của câu chuyện, chiếm tới hơn 80% thời lượng phim. Tiếng trống, tiếng nhạc ồn ã và ánh sáng chói lòa tiễn đưa người đã khuất trong màn đêm. Khi người ông ra đi, đó cũng là dịp để các thế hệ trong gia đình đoàn tụ. Họ gặp lại sau khi xây dựng cuộc sống riêng, cùng chia sẻ nỗi đau và những cảm xúc khác nữa. Từ đó, những góc khuất tưởng đã được chôn vùi cũng bị khai quật... Phải chăng, tính độc đáo từ bối cảnh văn hóa của bộ phim đã mang đến cho ê kíp giải thưởng Liên hoan phim Santa Fe...

Bản sắc là "chìa khóa" thành công

Vì sao một đạo diễn ngoại quốc lại làm một việc khó là chọn một phong tục đậm chất bản địa để đưa lên màn ảnh rộng... Ngoài tình yêu với văn hóa Việt, chính nhà sản xuất cũng nhận định: Sự ngưỡng mộ của Aaron với văn hóa Việt Nam là chìa khóa giúp anh bước vào để thấu hiểu vùng đất, con người nơi đây và thực hiện thành công dự án này.

16 năm sinh sống tại Việt Nam, Aaron như một người trong cuộc nhưng đồng thời lại có lợi thế với góc nhìn của người ngoài cuộc. Sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế và bình tĩnh của anh trong “Đêm tối rực rỡ” sẽ cho khán giả được trải qua những sự kiện, không gian tưởng như quen thuộc với bất kỳ người Việt nào nhưng cũng đầy bất ngờ, chấn động và đau đớn.

Thực tế, thời gian qua, qua tay những nhà làm phim Việt kiều hay các đạo diễn trẻ, điện ảnh Việt đã có nhiều bộ phim đào sâu vào văn hóa bản địa. Đó là cách để các nhà làm phim khiến những câu chuyện có tính phổ quát, những đề tài đã được các nền điện ảnh lớn trên thế giới “đào xới” nhiều lần trở nên có màu sắc riêng, vừa gần gũi với khán giả trong nước vừa hấp dẫn khán giả thế giới.

Đạo diễn Lý Hải, nổi tiếng với series phim “Lật mặt”, từng chia sẻ, anh luôn tìm kiếm những nét độc đáo của văn hóa vùng miền Việt Nam để đưa vào phim. Đó có thể là một phiên chợ vùng cao trong một bộ phim ma hài, hay cảnh sông nước miền Tây trong phim hành động...

Nhà sản xuất, đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng đặc biệt chú ý tới yếu tố văn hóa bản địa trong các tác phẩm của mình và sự thành công của những bộ phim đậm nét văn hóa bản địa như “Tấm Cám chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, đặc biệt là phim hành động “Hai Phượng” cả ở thị trường trong và ngoài nước đã chứng minh đó là hướng đi đúng.

Rõ ràng, bên cạnh một câu chuyện hay thì yếu tố văn hóa bản địa chính là "chìa khóa" nghệ thuật mà các nhà làm phim hôm nay rất chú trọng trong hành trình tiếp cận, chinh phục người xem ở trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Chìa khóa'' chinh phục khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.