Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác thi hành án dân sự, hành chính

Hà Vũ| 13/02/2023 17:24

(HNMO) - Tham mưu công tác phối hợp, cưỡng chế thi hành án dân sự; chỉ đạo đôn đốc, theo dõi thi hành án hành chính; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thi hành có hiệu quả việc thi hành án trọng điểm do Tổng cục Thi hành án dân sự và UBND thành phố Hà Nội giao; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ...

Đó là các yêu cầu đối với Đảng ủy Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội được nêu trong Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 13-2-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, Đảng ủy Cục Thi hành án dân sự thành phố chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ quan thi hành án dân sự hai cấp thành phố trong sạch, vững mạnh; chủ động tham mưu công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn thành phố; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố.

Chỉ thị số 22 được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, đặc biệt là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tích cực góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 5-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính".

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 19, nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính đã có sự chuyển biến nhất định, một số vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm được giải quyết dứt điểm... Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự, hành chính vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp; số vụ việc, tiền tồn đọng còn cao; nhiều vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa được giải quyết dứt điểm...

Cùng với nhiệm vụ của Đảng ủy Cục Thi hành án dân sự thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành từ thành phố đến cơ sở.

Đáng chú ý, Đảng đoàn HĐND thành phố được yêu cầu tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát hoạt động thi hành án dân sự, hành chính, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan; việc giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố và quận, huyện, thị xã; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tham nhũng, những vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính của đảng viên, cán bộ và nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác thi hành án dân sự, hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.