Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Y Linh| 29/05/2010 07:20

(HNM) - Sáng 28-5, ĐB Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008. Một số đại biểu cho rằng, cần thống nhất phương thức thống kê, đánh giá, vì thực tế quan niệm của một số bộ, ngành còn khác nhau.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết cũng chỉ ra 4 vấn đề trong thu chi ngân sách là thu ngân sách chưa chắc chắn, chi ngân sách dàn trải, chi chưa hiệu quả và kỷ luật thu - chi chưa nghiêm. Quá nhiều lễ hội hoành tráng trong khi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tiền vay được sử dụng hiệu quả thì tốt nhưng vay để nợ nần chồng chất thêm thì không nên.

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) băn khoăn về tình trạng nợ công. Đúng là có nước nợ chính phủ gấp 2 lần GDP nhưng nền kinh tế của họ rất mạnh, chỉ cần hồi phục xuất khẩu là họ trả được ngay. Trong khi ở ta, hàng hóa chủ lực nhiều nhưng tỷ lệ chế biến thấp, phần lớn xuất khẩu thô. Xuất siêu thấp, nhập siêu cao, thế nên tỷ lệ nợ công như ở ta là đáng lo rồi.

Cho rằng với cách làm hiện nay Quốc hội khó kiểm soát chặt thu chi ngân sách, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần tách riêng nguồn ngân sách quốc gia do Quốc hội quyết và ngân sách địa phương do địa phương quyết. Quốc hội không quyết tỷ lệ bội chi bao nhiêu GDP mà quyết từng khoản ước chi Chính phủ trình. Như vậy mới giải quyết được tình trạng thu tăng, chi cũng tăng.

Giải trình trước các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, tất cả các khoản chi Chính phủ đều trình Quốc hội. Quốc hội đồng ý Chính phủ mới được chi. Chẳng hạn, tổng mức vốn trái phiếu do Quốc hội quyết; còn chi cho địa phương nào, dự án nào, Chính phủ đều xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về bội chi ngân sách, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, thực tế, trong dự toán bao giờ cũng có khoản dự phòng ngân sách cho những khoản chi đột xuất không dự báo trước được như thiên tai. Khi chi khắc phục hậu quả, nếu làm đường thì chuyển cho giao thông, nếu làm trường thì chuyển cho giáo dục, nên về kỹ thuật thì thấy chi tăng nhưng thực tế vẫn nằm trong tổng thể ngân sách.

Trong phiên họp chiều 28-5, thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án về giải quyết việc làm, sử dụng lao động là người khuyết tật. Phương án 1, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện làm việc và kinh phí dạy nghề. Phương án 2, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc. Về vấn đề này, ĐB Quốc hội cho rằng, cần có quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật, vì kết quả quy định hiện hành bắt buộc doanh nghiệp nhận tỷ lệ 2-3% vào làm việc rất hạn chế. Đa số doanh nghiệp không tuyển đủ với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, quy định chính sách theo hướng khuyến khích, mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp sẽ tạo sự chủ động trong tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của doanh nghiệp thì cơ hội có việc làm của người khuyết tật rất thấp, vì đa số người khuyết tật trình độ hạn chế, dù có chính sách khuyến khích, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn không muốn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai:
"Chính quyền xã, phường cấp giấy xác nhận người khuyết tật"

Tại dự án luật này, với đối tượng người khuyết tật là trẻ em, luật tập trung vào một số chính sách lớn như chính sách giáo dục, được chia thành các nhóm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập, giáo dục chuyên biệt, trong đó giáo dục hòa nhập là phương thức phổ biến. Thứ hai là chính sách chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho TEKT. Riêng TEKT dưới 6 tuổi được miễn phí khi chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, chính sách dạy nghề cho TEKT cũng được quan tâm đề cập đến. Trước đây, luật chỉ quy định người khuyết tật nặng và những người khuyết tật bình thường. Luật lần này có tiến bộ ở chỗ chúng ta đã chia làm 3 hạng khuyết tật là người khuyết tật nặng; khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật có thể tự chăm lo cuộc sống cho mình. 2 hạng khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng phải có chính sách cụ thể. Luật lần này đổi mới ở chỗ là giao cho chủ tịch UBND xã, phường lập Hội đồng kiểm tra, cấp giấy xác nhận người khuyết tật. Dựa trên cơ sở đó, người khuyết tật tiếp cận với chính sách được tốt hơn.

Tư Đô
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chi tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.