(HNM) - Ngày 14-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lần thứ 8. Trong đó, Hà Nội tụt 17 bậc, xuống xếp thứ 51 trên bảng xếp hạng.
Đây là sự kiện thường niên của VCCI. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, PCI tiếp tục là một thước đo quan trọng, là "chiếc gương" công khai và công bằng cho chính quyền các tỉnh, thành phố "soi vào".
Nhà đầu tư sẽ bỏ vốn vào các địa phương có môi trường kinh doanh phù hợp. Ảnh: Thái Hiền |
Qua khảo sát hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) dân doanh trong nước và hơn 1.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài, VCCI đã đưa ra một bức tranh tổng thể về PCI toàn quốc năm 2012, với nhận xét, "phát đi tín hiệu về sự sụt giảm trong chất lượng điều hành". Như vậy, kết quả và giá trị thực tế trong công tác điều hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trên phạm vi cả nước chưa đáp ứng được sự mong đợi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đã, đang đối mặt với nhiều thách thức. Điểm số trung bình của bảng xếp hạng đã giảm từ mức 59,15 điểm trong năm 2011 xuống còn 56,2 điểm trong năm 2012 và là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Đáng quan ngại hơn là trong bảng xếp hạng lần này không có tỉnh nào đạt được ngưỡng 65 điểm trở lên để được xếp vào nhóm "rất tốt".
VCCI nhận định, kết quả PCI lần này đã xuất hiện một bất ngờ là tỉnh Đồng Tháp vươn lên vị trí dẫn đầu trong số 63 tỉnh, thành phố, với 63,79 điểm. Tiếp theo là An Giang và Lào Cai (cũng là hai tỉnh dẫn đầu năm ngoái). Như vậy, Đồng Tháp đã trở thành "ngôi sao mới" về năng lực cạnh tranh, khả năng điều hành kinh tế và kết quả hỗ trợ DN trên địa bàn. Một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng được xếp hạng trong nhóm "tốt" và là niềm vui hiếm hoi của sự kiện lần này. Hai "ngôi sao cũ" là Đà Nẵng và Bình Dương nay đã "tụt hạng" xuống vị trí 12 và 19, thay vì luôn đứng trong top 5 của những năm trước. Xếp cuối bảng là 3 tỉnh thuộc khu vực miền núi là Cao Bằng, Tuyên Quang và Điện Biên.
Việc xếp thứ hạng bao nhiêu trong bảng PCI hằng năm chủ yếu phụ thuộc vào ý chí và những biện pháp cụ thể của chính quyền địa phương. Đây cũng là cuộc sát hạch của DN, dân doanh trên một địa bàn cụ thể với chính quyền. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng: Năm 2012 là khoảng thời gian nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều DN đình đốn nên đã ảnh hưởng đến niềm tin, làm giảm sút sự lạc quan khi họ đánh giá về môi trường kinh doanh.
Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, dù là địa phương nhỏ, đội ngũ DN trên địa bàn không nhiều, nhưng nếu chính quyền sở tại biết tìm ra hướng đi, thường xuyên nắm bắt thực tiễn và tháo gỡ rào cản vướng mắc vì sự phát triển của DN thì chính quyền chắc chắn sẽ "ghi điểm" đối với DN. Một khi DN đã được nhận điều kiện sản xuất, kinh doanh tốt nhất sẽ duy trì sự tăng trưởng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh là yêu cầu bức thiết để phát triển kinh tế. Ảnh: Huy Hùng |
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cải thiện lớn nhất trong PCI 2012 là chi phí gia nhập thị trường cho DN đã giảm. Các chỉ tiêu khác cũng có chiều hướng cải thiện. Tính trung bình, chỉ có 9,5% DN cần bổ sung thêm giấy phép. Đặc biệt, thời gian thực tế xin cấp mới đăng ký kinh doanh đã giảm (trung bình là 10 ngày) và chỉ còn 13% DN phải chờ đến hơn 1 tháng để được cấp các giấy phép cần thiết, giảm 24% so với năm trước. Rõ ràng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính là thành công của nhiều địa phương. Ngoài ra, chi phí không chính thức của DN cũng giảm mạnh, tình trạng "lót tay" trong quá trình đăng ký kinh doanh hoặc hoàn tất thủ tục hành chính đã giảm cả về tần suất và giá trị, việc tuyển dụng và đào tạo lao động được ghi nhận là đã có cải thiện. Tuy nhiên, cải cách đã chậm lại ở một số lĩnh vực. Tính minh bạch về cơ chế chính sách chưa chuyển biến kịp thời, khi hầu hết DN vẫn cảm thấy khó tiếp cận tài liệu kế hoạch của địa phương, cán bộ cơ quan quản lý còn tâm lý phân biệt DN thuộc thành phần khác nhau... Ngoài ra, chi phí không chính thức vẫn là mối lo thường trực với DN khi họ có đề xuất về thủ tục hoặc quyền lợi với nhà quản lý…
Như vậy, nếu UBND tỉnh, thành phố luôn dành sự quan tâm, với ý thức sâu sắc về yêu cầu cải thiện năng lực cạnh tranh, hiệu quả điều hành thì DN địa phương sẽ phát triển, từ đó sức mạnh kinh tế được bồi đắp liên tục. Cải thiện PCI là yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài và không còn cách nào khác ngoài tinh thần sát cánh cùng DN, hỗ trợ DN phục vụ quá trình phát triển. Hơn thế, các nhà đầu tư chỉ có thể bỏ vốn vào những địa phương có môi trường kinh doanh tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.