Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi phí đầu vào tăng cao, EVN lỗ trên 26.000 tỷ đồng năm 2022

Bảo Hân| 31/03/2023 17:44

(HNMO) - Chiều 31-3, Bộ Công Thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong các năm 2021, 2022

Đại diện Đoàn kiểm tra công bố thông tin tại họp báo.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Năm 2021 không hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện. Tính đến hết năm 2021, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện bao gồm: Phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2021 khoảng 3.702,257 tỷ đồng.

Năm 2022, tổng hợp từ chi phí, doanh thu và kết quả sản xuất kinh doanh điện cho thấy, EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác)...

Trả lời báo giới về việc điều chỉnh giá điện năm 2023, đại diện Bộ Công Thương cho biết, do giá điện có tác động lớn đến sản xuất kinh doanh, cuộc sống người dân nên theo quy định, các phương án điều chỉnh giá điện sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Cụ thể, nếu điều chỉnh dưới 5% sẽ thuộc thẩm quyền của EVN; từ 5-10% thuộc Bộ Công Thương và 10% trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. 

Thời gian qua, EVN đã xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023 và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan đã rà soát, kiểm tra phương án của EVN xây dựng và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. 

Cùng trả lời tại họp báo, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, khoản lỗ năm 2022 của EVN là hơn 26.000 tỷ đồng chủ yếu do chi phí đầu vào gồm nhiệt điện than tăng cao, có thời điểm gấp 4-5 lần. Trước những khó khăn như vậy, EVN đã nỗ lực khắc phục bằng nhiều giải pháp, đồng thời có các đề xuất trình Bộ Công Thương và các cấp thẩm quyền để có thể điều chỉnh giá điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi phí đầu vào tăng cao, EVN lỗ trên 26.000 tỷ đồng năm 2022

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.