Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chị em “ngại” tham gia Hội Phụ nữ, vì sao?

Linh Chi| 21/02/2013 06:02

(HNM) - Phát triển hội viên để xây dựng tổ chức hội vững mạnh là một trong những nhiệm vụ then chốt của Hội Phụ nữ cấp cơ sở. Nhưng với nhiều cán bộ Hội Phụ nữ cấp xã, phường, nhiệm vụ này đang trở nên nặng nề, khó khăn…


Lối mòn…

Hội LHPN phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) 8 năm liền đoạt danh hiệu Đơn vị thi đua xuất sắc, được TƯ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN TP Hà Nội biểu dương, khen thưởng. Hội LHPN phường Ngọc Khánh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ hội các cấp nhiệt tình, trách nhiệm, có kỹ năng, kinh nghiệm tập hợp quần chúng hội viên. Nhưng dù rất nỗ lực, việc phát triển hội viên ở đây vẫn đang là thách thức không nhỏ. Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Khánh Nguyễn Thị Lan Phương, hiện Hội quản lý số hội viên mới chỉ bằng 37% tổng số chị em phụ nữ, mà phần lớn là cán bộ, công chức nghỉ hưu. Số hội viên từ 18 đến 30 tuổi - độ tuổi được đánh giá là đối tượng đích của Hội trong bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia sinh hoạt chỉ có 107/2.044 hội viên (5,7%).

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, song đáng chú ý là có tình trạng chị em "sợ": Vào Hội phải đóng góp nhiều khoản kinh phí; phải mua báo hội; vừa chịu sự quản lý của tổ chức, vừa ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, chăm sóc chồng con… Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ, hội viên phụ nữ bàn giao đất cho các dự án, chuyển đi nơi khác sinh sống khiến Hội Phụ nữ "hụt" khá nhiều hội viên. Ngoài ra, hội viên lớn tuổi thường lựa chọn sinh hoạt tại Hội Người cao tuổi cho phù hợp điều kiện tâm sinh lý... Thêm nữa, thông tin hội phí sẽ tăng từ 6.000 đồng lên 12.000 đồng/người/năm đã khiến nhiều hội viên phụ nữ tuổi từ 55 trở lên từ chối tham gia sinh hoạt.

Tại các huyện ngoại thành, công tác phát triển hội viên lại gặp khó ở khía cạnh khác. Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Đặng Thị Bình cho biết: Ba Vì là xã vùng đồi núi, đất canh tác ít, nhiều hội viên phụ nữ phải đi làm xa nhà. Công tác phát triển hội viên rất khó khăn, nhất là hội viên ở lứa tuổi 18-40. Các chương trình cho vay lãi suất thấp, tổ phụ nữ tiết kiệm cũng chỉ thu hút được 58 chị từ 18 đến 40 tuổi tham gia.

Chủ tịch Hội LHPN xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) Kiều Thị Xuyến khẳng định, công tác phát triển hội viên ở lứa tuổi 18-30 là khó nhất. Ở độ tuổi này, các chị đang chuyên tâm học tập, hoặc đang bận sinh nở, nuôi con nhỏ nên không quan tâm đến công tác xã hội. Hội đã đẩy mạnh phát triển mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm, dạy nghề thủ công mây tre đan, tạo việc làm để thu hút hội viên. Nhưng từ khi hợp đồng thu mua hàng mây tre đan chấm dứt, việc thu hút hội viên gần như dậm chân tại chỗ. Với hội viên lứa tuổi từ 50 trở lên thì rất khó vận động sinh hoạt Hội, vì các bà thích đi chùa, tham gia Hội Người cao tuổi hơn.

Phải mới và rõ

Rõ ràng quyền lợi mà Hội mang lại chưa đủ hấp dẫn chị em, thậm chí còn gây cho họ tâm lý ngại ngần vì "mất" nhiều hơn "được". Nhiều cán bộ Hội thừa nhận điều này có nguyên nhân từ sự nhàm chán trong sinh hoạt, thiếu các chương trình hoạt động thiết thực ở các cơ sở Hội. Nơi nào cán bộ hội có kỹ năng và kinh nghiệm tốt, xây dựng được chương trình hoạt động hấp dẫn, thiết thực hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của chị em hội viên, liên tục đổi mới phương thức sinh hoạt hội, công tác phát triển hội viên vẫn đạt tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cơ sở rất quan trọng. Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Diệp Tự Phúc khẳng định chính quyền phường rất quan tâm ủng hộ Hội Phụ nữ trong các hoạt động giao lưu, học tập, vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Điều đó đã hỗ trợ đắc lực cho cán bộ Hội trong duy trì và phát triển hội viên…

Để khắc phục những bất cập trong phát triển hội viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở Hội; đổi mới chương trình hoạt động, đa dạng hóa phương thức sinh hoạt Hội; có giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em… Nhưng để làm được điều này, Hội cần đẩy mạnh công tác tham mưu để có chính sách hỗ trợ và sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức các chương trình nâng cao kiến thức phù hợp với nhiều đối tượng phụ nữ, phát triển các mô hình thiết thực hỗ trợ chị em như: Dịch vụ chăm sóc - trông giữ trẻ từ 6 tháng tuổi; đưa đón, chăm sóc trẻ ngoài giờ; dạy nghề - tạo việc làm cho phụ nữ; cho vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… là rất cần thiết. Phấn đấu để các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, hội viên có hoàn cảnh khó khăn được cấp phát báo Hội, giúp chị em tiếp cận, gắn bó với Hội nhiều hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chị em “ngại” tham gia Hội Phụ nữ, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.