Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chị em bị “chém đẹp” vì hàng hiệu... rởm

Theo Giadinh| 01/11/2011 10:07

Thoạt nhìn, màu sắc, hoa văn y hệt hàng thật, chỉ có chất liệu, phụ liệu là dỏm, giá từ 350 ngàn đến 2 triệu đồng/sản phẩm...


Bỏ ra tới hàng chục triệu đồng mới được sở hữu một chiếc ví hay một chiếc túi xách, còn với một bộ cánh thời trang đồ hiệu cũng phải chi tới hàng triệu đồng… Giải quyết "cơn ghiền" đồ hiệu, nhiều người đã tìm tới hàng nhái (hàng fake). Theo đó, trên thị trường nhan nhản các cửa hàng đồ hiệu với những thương hiệu "đỉnh" có xuất xứ ... made in China.

"Bóc mẽ" bí kíp nâng đời "hàng hiệu"

Các thương hiệu bị nhái nhiều nhất là "cá sấu" (Lacoste), "con ngựa" (Ralp Lauren),"tôm-mỳ" (Tommy), Nike, Belano, Bossini, Gap, Guess, Gucci... Hàng nhái (hàng fake) luôn được giới thiệu là hàng "xuất khẩu" tuồn ra hoặc nhập về từ Campuchia... mà khách mua hàng không dễ nhận ra.

Trong vai một người chuẩn bị mở cửa hàng quần áo đi tìm nhân viên "có duyên" bán hàng, chúng tôi kết thân được với một nhân viên bán hàng hiệu trên phố Sơn Tây, Hà Nội. Cuộc trò chuyện diễn ra khá thú vị: "Chị bán hàng hiệu xịn hay cũng là hàng đánh từ Hong Kong, Quảng Châu về?". "Em nói thế là ý gì?". "Thì cửa hàng em cũng đề hàng nhập khẩu 100% từ Thái Lan, Nhật Bản đấy thôi, nhưng cũng toàn hàng hiệu "lên đời". "Em bán hàng rất có duyên nếu mà biết cả mánh "lên đời" này là chị kết lắm đấy, chị đang tính trả lương khởi điểm 3,5 triệu".

"Chuyện đó khó gì, chỉ cần chọn đồ Tàu loại đẹp, nhập về đưa thẳng vào kho hoặc đóng cửa hàng để thay mác. Đầu tiên gỡ hết mác, sau đó sử dụng máy bắn lại mác của các hãng nổi tiếng vào. Những mác này bán trên phố trong những cửa hàng bán phụ kiện hoặc tại chợ Đồng Xuân. Mác Lacoste, Ralp Lauren, Tommy, Nike, Belano, Bossini, Gap, Guess, Gucci... mác gỉ gì gi mác gì cũng có mà giá thì rẻ khỏi bàn... Công đoạn tháo gỡ và bắn mác lại thì dễ thôi rồi, chỉ 1- 2 giờ đồng hồ là xong cả núi hàng. Tùy theo từng loại quần áo mà mình dán mác hàng fake loại 1, 2 hay 3. Sau khi thay mác giá bán tăng lên từ 3- 4 lần, thậm chí có mã hàng lên đến hàng chục lần ấy chứ".

Cũng theo nhân viên này thì xử lý hàng lỗi mốt cũng khá đơn giản: "Hàng hợp mốt thì giá bán đã tăng gấp 3- 4 lần rồi nên khi không còn mốt nữa chỉ cần lãi gấp đôi rồi tấp đống trước cửa, đề giảm giá 50% thì khách lại kéo đến "tậu", vài ngày là lại hết veo...".

Nhiều chị em sẵn sàng chịu "chém" vì hàng hiệu rởm. (Ảnh minh họa)


Rời cửa hàng phố Tây Sơn, chúng tôi đến một cửa hàng bán quần áo hàng hiệu trên phố Hàng Bông. Sau khi tìm hiểu rõ người bán hàng chỉ là người làm công ăn lương, chúng tôi đặt thẳng vấn đề: "Chị đang tìm nhân viên bán quần áo, lương cứng 3,5 triệu, kèm theo 1% tiền hoa hồng ăn theo sản phẩm. Nhưng yêu cầu phải là người thạo việc: Tháo gỡ và dán mác tốt, nhanh nhẹn, bán hàng có duyên". Lúc đầu Ngọc Bích, nhân viên cửa hàng L.T còn nghi ngại nhưng sau thấy tôi trao đổi khá thẳng thắn, Bích cởi mở: "Cái đó là việc nhỏ với em. Chỉ cần có cái máy bắn mác và có sẵn mác là OK".

Bích bật mí thêm: "Nhập hàng Tàu loại đắt tiền là bản thân nó đã nhái thật hàng thương hiệu rồi. Khi về, chỉ cần tháo ra rồi dán lại là xong. Hàng nhái thật tinh vi lắm. Chất liệu na ná, phụ liệu đúng đến từng chi tiết, màu sắc cũng tương tự, kiểu dáng y chang. Thậm chí code (mã hàng) cũng làm giống như thật. Bán đồ này lãi lắm chị ơi, vì người mua không bao giờ biết giá thật. Cũng một chiếc quần đánh từ Quảng Đông về để nguyên nhãn mác bán ngoài chợ chỉ 150.000 đồng nhưng vào cửa hàng em nó là 450.000 đồng đấy"...


Ngoài hàng quần áo, mặt hàng túi xách cũng bị nhái nhiều nhất tên thương hiệu của Gucci, Louis Vuitton... Thoạt nhìn, màu sắc, hoa văn y hệt hàng thật, chỉ có chất liệu, phụ liệu là dỏm, giá từ 350 ngàn đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Chị Lê Diệu Ninh, chủ cửa hàng túi xách phố Ngọc Hà, thản nhiên:

"Giá tiền như vậy, không ai lừa ai cả. Thời buổi bây giờ mấy người bỏ ra hàng chục triệu để mua túi hàng hiệu trong khi chỉ cần bỏ ra 1 - 3 triệu đồng đã có một chiếc túi fake như thật, mà lại có thể mua được nhiều cái để thay đổi. Người mua dễ gì phát hiện được hàng fake vì nhiều loại túi nhái còn có đủ code (mã) trên quai túi, certificate card (thẻ chứng nhận), túi vải bọc bảo vệ, túi giấy...".

Trả lời chúng tôi khi đang chọn mua hàng fake, chị Nguyễn Lan, nhân viên văn phòng một công ty truyền thông thẳng thắn: "Tôi thích hàng hiệu nhưng nó quá đắt tiền nên "tự sướng" bằng hàng fake. Mà trông tôi sang trọng thế này có dùng hàng fake cũng chẳng ai nhận ra. Điều quan trọng nhất là trông nó đẹp, sang trọng và rất hợp với mình"(?!).

Chém đẹp!

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, có 70 - 80% hàng nhái giả thương hiệu, chưa nói đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên hàng nhái (loại fake 1) rất khó phát hiện. Theo quy định, xử lý loại hàng nhái cần phải có sự phối hợp của nhiều ban ngành, trong đó yêu cầu cả sự hợp tác của doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp hợp tác để xử lý hàng nhái thành ra gây khó cho cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Duy Kim Tước, Giám đốc nhãn hiệu thời trang cho biết:

"Việc chọn lựa một nhãn hiệu thời trang hay phụ kiện Việt Nam thay cho hàng fake là điều nên làm. Nhiều nhãn hiệu thời trang Việt sử dụng nguyên liệu chất lượng, thiết kế có giới hạn số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu hàng độc. Vì nếu quá "sính" hàng hiệu trong khi ví tiền lại có hạn, bắt buộc phải mua hàng fake thì khách hàng sẽ bị chém rất đẹp. Hàng nhái thật dù tinh vi đến mấy cũng được nhập sỉ về với giá bèo 300.000 đồng/chiếc là thuộc diện cao. Nhưng khi về, chủ cửa hàng chỉ cần tân trang, sửa sang lại nhãn mác và nâng giá lên hàng chục lần".

Cũng theo bà Kim Tước, một xu hướng khác cũng đáng lưu tâm là người tiêu dùng nên săn tìm hàng "xuất khẩu" bị lỗi (dù rất khó nhận ra) để có một bộ cánh ưng ý, độc đáo.

Bà Đặng Tú Anh, phụ trách truyền thông và đối ngoại của Công ty độc quyền phân phối các sản phẩm thời trang cao cấp, khuyên:

"Người tiêu dùng nên chọn những nhãn hiệu vừa với túi tiền của mình, không nhất thiết phải tìm đến những nhãn hiệu "đỉnh" rồi sau đó giải quyết cơn ghiền bằng hàng fake. Hiện có rất nhiều nhãn hiệu thời trang nước ngoài có giá cả phù hợp với túi tiền người thu nhập trung bình khá. Yêu hàng hiệu mà sử dụng hàng fake là cách bạn đang tự ném đá vào mình và làm giàu bất chính cho những kẻ kinh doanh kiểu bóc lột người tiêu dùng".

Cũng theo bà Tú Anh, nếu thật sự yêu thích hàng hiệu có thể săn hàng hiệu giảm giá tại các trung tâm mua sắm. Vào thời điểm giảm giá, người săn hàng hiệu cũng dễ dàng tìm được những món hàng có giá cả dễ chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chị em bị “chém đẹp” vì hàng hiệu... rởm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.