Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ có 36% DN châu Âu muốn tăng đầu tư tại VN

L.H| 25/10/2011 11:37

(HNMO) - Kết quả của cuộc khảo sát lần thứ 5 về Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu quý 4/2011 do EuroCham thực hiện và công bố cho thấy các thành viên EuroCham tham gia tỏ ra thận trọng hơn khi đưa ra đánh giá về tình hình kinh doanh hiện tại của họ và triển vọng kinh tế tổng thể của Việt Nam.

Gần một nửa doanh nghiệp tham gia vào cuộc khảo sát là thuộc ngành công nghiệp dịch vụ, một phần ba thuộc ngành sản xuất và còn lại thuộc ngành thương mại và các hoạt động khác.

So với kết quả khảo sát gần đây nhất, các phản hồi của doanh nghiệp cho thấy sự sụt giảm 14% trong các điểm đánh giá về tình hình kinh doanh hiện tại của họ. Số đánh giá “tốt” hoặc “xuất sắc” giảm từ 46% xuống còn 32%, đánh giá của quý 1 năm 2011 là 64%. Không một đánh giá nào thể hiện tình hình kinh doanh là “xuất sắc”. Việc dịch chuyển này chủ yếu thể hiện bằng cách đánh giá trung lập về tình hình hiện tại, cách đánh giá này tăng 7% so với cuộc đánh giá trước lên đến 45% trong lần đánh giá này. Số các doanh nghiệp có các quan điểm tiêu cực về tình hình hiện tại tăng nhẹ từ 16% lên 22%.


Đáng chú ý, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư cho năm 2011, thành viên tham gia thể hiện sự thận trọng hơn so với các khảo sát trước đây. 38% muốn duy trì mức đầu tư của họ và chỉ 36% muốn tăng đầu tư tại Việt Nam, một sự sụt giảm đáng kể so với tỉ lệ 52% của quý trước. Điều đó cho thấy khuynh hướng các doanh nghiệp ngày càng thận trọng hơn trong việc đầu tư. 22% doanh nghiệp muốn giảm đầu tư tổng thể tại Việt Nam, tăng 13% so với quý trước và chỉ 6% vào đầu năm 2011.

Khi được hỏi về mức doanh thu và số đơn hàng mong đợi về mặt trung hạn thì câu trả lời lại thể hiện những sự trái ngược về quan điểm. Kể từ lần đầu tiên khi bắt đầu cuộc nghiên cứu về chỉ số môi trường kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp phản hồi mong đợi doanh thu (đơn hàng) được giữ nguyên, tăng 36% so với 24% trong cuộc nghiên cứu trước. 34% hy vọng sự tăng nhẹ về mặt doanh thu trong trung hạn, đây là một sự sụt giảm hơn 10% so với con số 43% trong quý trước. Cũng theo xu hướng về kế hoạch tuyển dụng. 45% phản hồi mong muốn tuyển thêm nhân viên trong trung hạn. 34% mong muốn duy trì mức hiện tại và 15% tính đến việc giảm nhân viên tại Việt Nam.

Đáng chú ý, lạm phát cao vẫn là một mối quan tâm lớn cho các doanh nghiệp, nhưng dường như các doanh nghiệp đã quen với việc đối phó với các áp lực về lạm phát. 48% doanh nghiệp cho rằng lạm phát có ảnh hưởng đáng kể đến công việc kinh doanh của họ giảm từ 56% trong quý trước.

Khi được hỏi về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng tới, 2/3 số doanh nghiệp trả lời rằng họ nghĩ họ sẽ nhìn thấy sự tiếp tục sụt giảm của tình hình kinh tế vốn đã khó khăn. Ngược lại 1/3 nghĩ rằng tình hình sẽ ổn định và dần dần phục hồi.

Khi được hỏi về Nghị định 46 liên quan đến việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, 79% trả lời rằng Nghị định này sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam, 31% e ngại rằng quy định mới sẽ ảnh hưởng “đáng kể” đến họ. 20% nói rằng Nghị định 46 sẽ không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.

Theo Nghị định 46 mới, để gia hạn giấy phép lao động cho một người lao động nước ngoài, một doanh nghiệp phải ký một hợp đồng học nghề với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cho biết luôn quan tâm việc phát triển các nhân viên người Việt là ưu tiên cao nhất nhưng cũng có những quan tâm tương tự với một số lao động nước ngoài trong hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. Hầu hết phần lớn đến 87% trả lời rằng họ tuyển lao động nước ngoài chủ yếu là cho vị trí lãnh đạo và quản lý. Tiếp đó 46% tuyển dụng lao động nước ngoài làm chuyên gia kỹ thuật trong công ty và thường kiêm luôn cả hai vị trí.

EuroCham cho rằng sẽ tiếp tục kiến nghị, người sử dụng lao động nên được phép tuyển chọn ứng cử viên phù hợp dựa trên sự quyết định của người sử dụng lao động và các tiến trình nội bộ. Trong môi trường kinh doanh hiện tại, điều đó quan trọng hơn hết để tránh ngăn cản các nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng thực hiện kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhận xét về cuộc khảo sát: “So với quý trước, chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm. Điều đó thể hiện một sự sụt giảm về lòng tin tại Việt Nam như là một điểm đến đầu tư. Cùng với sự sụt giảm 28% đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong 9 tháng đầu năm 2011 và tỉ lệ lạm phát trên 20%, công bằng mà nói các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ có 36% DN châu Âu muốn tăng đầu tư tại VN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.