Sáng 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường. Các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của các 1 số dự án luật, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương và 47 điều, quy định đối tượng áp dụng Luật bao gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, pháp luật hiện hành quy định, chủ thể bảo hiểm tiền gửi bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh. Tuy nhiên, với dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi lần này, Chính phủ đề xuất không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh. Bởi, nếu bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức nói trên sẽ không phù hợp với mục tiêu bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin.
Đồng thời, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiền gửi của các tổ chức luôn mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Điều này cũng không phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo thống nhất quy định: chủ thể được bảo hiểm tiền gửi chỉ là cá nhân.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Trong quá trình thảo luận về vấn đề này, có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi là chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì cho rằng, mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết nguồn vốn có được từ huy động nhằm thực hiện mục tiêu nhất định, chỉ tạm thời nhàn rỗi, nên thường không kết dư với số lượng lớn, sau mỗi đợt huy động phải công khai việc huy động, quản lý và sử dụng để tạo lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ cao của các thành viên tham gia đóng góp. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các tổ chức tín dụng.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hợp tác xã… vì cho rằng, những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng. Việc mở rộng ra các đối tượng này cũng nhằm đảm bảo sự công bằng trong chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, cho rằng, chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ. Trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nên có nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế tự nguyện để các tổ chức tín dụng chủ động chọn lựa tham gia. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, bảo hiểm tiền gửi được sử dụng làm công cụ tài chính nhằm mục đích thực hiện chính sách công, không phải thực hiện mục đích kinh doanh vì lợi nhuận, nên việc quy định chỉ có một tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế bắt buộc tại Việt Nam như hiện nay là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Liên quan đến mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế nghiêng về phương án như dự án Luật, không quy định một mức phí hay khung phí cố định mà giao Ngân hàng Nhà nước quy định. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.