Nếu tính theo tổng thu nhập quốc dân thì khoảng cách kinh tế của 2 quốc gia lên đến 42 lần. Trong khi đó, chênh lệch thu nhập đầu người là gần 20 lần.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc ngày 17/1 vừa công bố số liệu tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nước này trên 900 tỷ USD. Trong khi đó, GDP của “người láng giềng” Triều Tiên lại khiêm tốn hơn rất nhiều, chỉ với 21 tỷ USD.
Nếu tính theo chỉ số GNI (tổng thu nhập quốc dân) thì khoảng cách kinh tế của 2 quốc gia này lên đến 42 lần. GNI ước tính của Triều Tiên chỉ đạt 26 tỷ USD trong năm 2010 so với 1.100 tỷ USD của Hàn Quốc.
Chênh lệch thu nhập đầu người giữa Hàn Quốc và Triều Tiên lên gần 20 lần. |
Cơ quan này đồng thời cũng cho biết, nền kinh tế Triều Tiên đã suy giảm liên tiếp trong vòng 2 năm kể từ 2009. Trong năm 2010, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á - Hàn Quốc tăng trưởng 6,2% trong khi kinh tế Triều Tiên suy thoái 0,5%.
Về giá trị thương mại, năm 2010 Hàn Quốc đạt 891,6 tỷ USD, Triều Tiên là 4,2 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 466,4 tỷ USD, Triều Tiên chỉ đạt 1,5 tỷ USD.
Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên đứng mức 1.071 USD/năm chỉ bằng gần 1/20 thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 20.759 USD/năm.
Trước đó, vào năm 2009, nhu nhập trung bình quốc gia của Hàn Quốc đã gấp tới 18 lần Triều Tiên.
Nguyên nhân sụt giảm mạnh của kinh tế Triều Tiên được lý giải do hoạt động quản lý, tình trạng thiếu hụt kéo dài và ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt quốc tế đối với chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của quốc gia ưu tiên quân sự lên hàng đầu này.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có tới 6 triệu người Triều Tiên, chiếm 1/4 dân số nước này cần trợ giúp khẩn cấp. Trước đó, trong năm 1990, quốc gia này đã phải trải qua nạn đói lịch sử, khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Tuy nhiên, về lĩnh vực khai khoáng thì Triều Tiên lại vượt qua Hàn Quốc. Người láng giềng phía Bắc mỗi năm khai thác và chế biện khoảng 5 triệu tấn, cao hơn nhiều so con số 510.000 tấn của Hàn Quốc.
Sau khi lên kế vị cha, lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Un được cho là sẽ dẫn dắt đất nước đi theo hướng tập trung vào kinh tế thay vì quân sự như dưới thời của ông Kim Jong Il trước đây. Theo đó, ông này sẽ hướng Triều Tiên đến một "nền kinh tế tri thức" với những chính sách cải cách mà các nước khác đang theo đuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.