(HNM) - Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6 (thay thế một số chương trong Nghị định 61/2002/NĐ-CP về chế độ nhuận bút) vừa được Bộ Thông tin - Truyền thông giới thiệu, được đánh giá là linh hoạt, sát với thực tế
Mở rộng đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao
Chiểu theo Nghị định mới, trong cả lĩnh vực báo chí và xuất bản thì kể từ ngày 1-6, có thêm đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao được bổ sung, hoặc nêu rõ hơn. Trong đó có người trả lời phỏng vấn, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí; người sưu tầm, hiệu đính tác phẩm, người cung cấp văn bản, tài liệu (văn học nghệ thuật dân gian, văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…).
Nhuận bút sẽ được chi trả tới các tác giả chậm nhất là 60 ngày sau khi tác phẩm báo chí được đăng. Ảnh: Viết Thành |
Thực ra, với người trả lời phỏng vấn, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin cho báo chí thì lâu nay nhiều cơ quan truyền thông đã chủ động tìm cách trả nhuận bút, thù lao cho họ. Nói như một lãnh đạo phụ trách công tác tài chính của một cơ quan báo thì "chúng tôi thực hiện từ lâu rồi, quy định này đi sau thực tế, hơi muộn nhưng dù sao cũng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện việc này một cách chính danh".
Lại nhớ, sinh thời, nhà thơ Huy Cận thường hay "bị" phóng viên tìm gặp, xin phỏng vấn ở "sân 51" (trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội). Lúc ấy, ông luôn hỏi rất thẳng, đại để là cô (chú) có trả nhuận bút cho người được phỏng vấn không. Cũng có trường hợp người hỏi thú thật là cơ quan không có chế độ trả nhuận bút cho người được phỏng vấn, thế là ông, dù vẫn vui vẻ trả lời "không công" nhưng không quên bày tỏ quan điểm, rằng việc trả nhuận bút cho người được phỏng vấn là bình thường, rất cần cho sự phát triển lâu dài của báo chí.
Đối với người cung cấp nguồn tin cũng vậy, nhiều cơ quan báo đã chủ động thực hiện chế độ thù lao với họ dưới danh nghĩa tiền cộng tác viên. Một "nguồn tin" trong lĩnh vực văn hóa từng đề cập thẳng thắn: Hưởng lương cộng tác viên từ tờ báo này, tôi có trách nhiệm cung cấp thông tin cho họ sớm nhất có thể.
Lâu nay, các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan nhà nước… khi đã đồng ý trả lời thì đều hỗ trợ người viết trong việc thực hiện các bài phỏng vấn mà không đặt vấn đề thù lao. Trong thực tế, chính các nhà báo cũng có ý thức rõ ràng về việc chăm chút nguồn tin riêng của mình. Nhưng khách quan mà nói, sự chăm sóc mang danh cơ quan báo chí vẫn có vị thế riêng, hiệu quả thường lớn hơn nhiều.
Trong lĩnh vực xuất bản, người hiệu đính giữ vai trò đồng tác giả nếu tỷ lệ hiệu đính chiếm trên 30% nội dung tác phẩm dịch. Việc chính thức đưa họ vào đối tượng hưởng "chế độ" sẽ giúp đơn vị xuất bản thực hiện được hoạt động chi trả này một cách dễ dàng hơn.
Sức ép lớn hơn
Có một quy định hết sức quan trọng bởi giúp tạo cơ chế thuận lợi cho cơ quan báo chí, xuất bản thực hiện việc chi trả nhuận bút, đó là nội dung về quỹ nhuận bút. Nghĩa là nguồn chi nhuận bút có thể được mở rộng, cụ thể gồm nguồn thu từ hoạt động báo chí, hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí, nguồn hỗ trợ - tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn từ ngân sách nhà nước (nếu có). Trước đây, ngay cả với những cơ quan báo chí có khả năng tự cân đối thu - chi thì quỹ nhuận bút cũng chỉ được trích tối đa 10% doanh thu từ hoạt động báo chí.
Theo quy định mới về giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút và hệ số tối đa trong khung nhuận bút thì mức nhuận bút tối đa cho nhiều thể loại tác phẩm sẽ tăng. Với hoạt động xuất bản, quy định mới về quyền được thỏa thuận giữa NXB với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã mở ra cho các NXB khả năng nắm quyền phát hành những tác phẩm chất lượng cao. Thực tế, đứng trước bộ tiểu thuyết đồ sộ của một nhà văn nổi tiếng, từng có NXB vì không thể chi mức nhuận bút vượt khung nên đành ngậm ngùi để tư nhân sở hữu tác phẩm sau khi chi trả khoản bản quyền tiền tỷ.
Với những quy định mới, cơ quan báo chí, xuất bản có thêm sự hỗ trợ pháp lý và điều đó giúp họ chủ động thực hiện quy định về chế độ nhuận bút, thù lao nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm. Tuy nhiên, khi quy định đã rõ sự cởi mở thì vấn đề quan trọng nhất là tìm nguồn kinh phí để thực hiện, điều không dễ thực hiện, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Thời hạn 60 ngày để thực hiện việc chi trả nhuận bút đối với nhiều cơ quan báo chí mang tính thách thức rất lớn bởi trong thực tế đã từng có hiện tượng "nợ đọng" nhuận bút, chậm trả trong khoảng thời gian gấp hai lần mức quy định nói trên… Đó là điều không đơn giản bởi Nghị định 18 đã bổ sung một chương riêng về khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao, không dễ để cơ quan báo chí, xuất bản chi trả "lề mề" được nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.