(HNMCT) - Người bị bệnh đái tháo đường cần một chế độ dinh dưỡng riêng với những loại thực phẩm phù hợp để duy trì mục tiêu điều trị và cải thiện sức đề kháng.
Cân đối các loại chất bột, đường, chất đạm, chất béo: Người bệnh cần đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể theo như khuyến cáo và cân đối các chất sinh năng lượng (chất bột, đường, chất đạm, chất béo). Sự cân đối đó giúp duy trì đường huyết ổn định trong ngày, tránh hạ đường huyết khi đói hoặc tăng đường huyết quá mức sau ăn.
Không nên bỏ bữa: Người bị đái tháo đường không nên bỏ bữa và bỏ các chất bột, đường; nên ăn tối thiểu 3 bữa/ngày, có thể thêm 1 - 3 bữa tùy tình trạng đường huyết và bệnh lý kèm theo. Người bệnh nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%) hoặc các thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, bánh mỳ nâu, khoai, ngô luộc, rau xanh... Cân đối giữa đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa...) và thực vật (gạo, đậu phụ, đậu, đỗ các loại...).
Ăn đủ rau xanh và quả chín theo khuyến nghị mỗi ngày: Để cung cấp đủ vitamin, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. Nên ăn 1 bát rau/bữa; hoa quả ít ngọt: 80 - 100g/lần, 1 - 2 lần/ngày.
Hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp... vì những loại này chứa nhiều đường, nhiều chất béo và muối. Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá, rượu, bia và các chất kích thích khác. Đặc biệt, khi có bệnh tim mạch, bệnh thận..., người bệnh nên cố gắng thực hiện khẩu hiệu: “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”. Ngoài ra, cần uống nước lọc, nước khoáng, hạn chế nước ngọt, nước đóng chai, nước hoa quả.
Duy trì hoạt động thể lực hằng ngày: Thời gian từ 30 - 60 phút/ngày tùy từng người bệnh; hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập. Người bệnh nên duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân nếu có thừa cân béo phì, hoặc tăng cân nếu suy dinh dưỡng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.